Văn hóa

Khi thư viện tìm cách tiếp cận người đọc

Phạm Sỹ 01/07/2025 09:30

Từ những giá sách gỗ im lìm và phiếu mượn viết tay, thư viện hôm nay đang dịch chuyển mạnh mẽ sang không gian số, nơi thông tin được lưu trữ, tra cứu và chia sẻ chỉ bằng một cú nhấp chuột… Tuy nhiên, hành trình đó không hề dễ dàng.

Gập ghềnh hành trình chuyển đổi

Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện thời gian qua đã có bước chuyển đáng ghi nhận. Công tác số hóa tài liệu được quan tâm triển khai thực hiện tại các thư viện; tiêu biểu như tại Thư viện Quốc gia Việt Nam trong 3 năm (2021-2023) đã số hóa được hơn 742.740 trang báo, 111.155 trang tài liệu, 260.000 trang luận án; 105.549 trang sách; tiếp tục xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) bài trích báo, tạp chí, tài liệu luận án tiến sĩ… Hệ thống thư viện công cộng đã triển khai số hóa xây dựng CSDL số đối với tài liệu địa chí, tài liệu cổ, quý hiếm, bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học…

Theo các chuyên gia, mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên chuyển đổi số trong ngành thư viện vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều nhiệm vụ chưa triển khai do thiếu kinh phí, vướng mắc bản quyền và pháp lý. Việc liên thông giữa các thư viện thiếu đồng bộ, một số dự án dù đầu tư lớn nhưng thiếu tính bền vững.

Bà Đoàn Quỳnh Dung - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện cho rằng, hiện ngành Thư viện đứng trước nhiều cơ hội trong việc triển khai chương trình chuyển đổi số và liên thông, kết nối, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin. Tuy nhiên, để tạo nên bước đột phá, ngành Thư viện cần nhận diện những thách thức để có các giải pháp vượt qua. Những thách thức trong hành trình chuyển đổi số đó là về: công nghệ, nhân sự, yêu cầu cao về tính bảo mật, tính mở rộng và kết nối, liên thông…đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề như: Bản quyền, thiết bị số hóa, nhân lực vận hành, bố trí ngân sách để tiếp tục đầu tư và nâng cấp thư viện” - bà Dung nói.

TS Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết việc chuyển đổi số tại thư viện hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập. “Chuyển đổi số đòi hỏi đầu tư ban đầu cho hạ tầng, phần mềm, nhân lực, số hóa tài liệu… Nhiều đơn vị phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, không chủ động được nếu dựa vào nguồn tài trợ hoặc xã hội hóa. Nhiều thư viện, đặc biệt ở các địa phương, vẫn thiếu trang thiết bị hiện đại và kết nối internet ổn định. Điều này gây khó khăn trong việc triển khai các dịch vụ số và ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ bạn đọc” - bà Ngà chia sẻ.

Theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, nhiều thư viện hiện vẫn hoạt động theo mô hình truyền thống, chưa tận dụng được tiềm năng của công nghệ số. Không ít thư viện còn lúng túng về cách làm; cơ chế liên thông và phương thức triển khai dịch vụ còn nhiều bất cập...

Hướng tới một hệ sinh thái tri thức mở

Trong bối cảnh xã hội số, thư viện không còn là kho sách mà đang trở thành trung tâm học tập suốt đời và sáng tạo tri thức cho cộng đồng. Vì vậy, chuyển đổi số không thể chỉ dừng lại ở những giải pháp kỹ thuật, mà cần được đặt trong chiến lược phát triển bền vững, gắn kết với mục tiêu nâng cao dân trí, thúc đẩy văn hóa đọc và hỗ trợ nghiên cứu khoa học.

TS Vũ Dương Thúy Ngà cho rằng, thúc đẩy chuyển đổi số thư viện là một việc cần thiết và cấp bách. Có như vậy thư viện mới đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và thực sự góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân.

“Để làm được điều đó, Nhà nước phải có sự quan tâm đầu tư kinh phí, các bộ, ngành, địa phương cũng cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch về chuyển đổi số thư viện trong lĩnh vực, trên địa bàn mình quản lý. Đồng thời các thư viện cũng cần năng động và quyết tâm hơn trong việc triển khai chương trình chuyển đổi số hết sức quan trọng và có ý nghĩa này” - bà Ngà nhận định.

Còn theo bà Đoàn Quỳnh Dung, chuyển đổi số là yêu cầu và thách thức không nhỏ đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành thư viện. Vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số và liên thông ngành thư viện thành công, cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp lãnh đạo, đội ngũ người làm công tác thư viện và cần được đặc biệt quan tâm, bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng số, đảm bảo các yêu cầu tối thiểu trong quá trình thực hiện chuyển đổi số thư viện.

Phạm Sỹ