Giám sát để minh bạch dạy thêm ngoài nhà trường
Ghi nhận tại Hà Nội và một số địa phương, ngay sau khi năm học 2024 - 2025 kết thúc, học sinh vẫn phải đi học hè. Chỉ có điều khác là hè này các em học ở các trung tâm, giáo viên cũng đi dạy ở trung tâm bên ngoài nhà trường. Như vậy, mong muốn siết dạy thêm để học sinh có thêm thời gian học kỹ năng sống, vui chơi vẫn cần nhìn nhận nghiêm túc hơn.
Chị Minh Hoa - có con chuẩn bị lên lớp 8 tại một trường THCS trên địa bàn phường Hoàng Liệt (Hà Nội) cho biết, sau khi kết thúc năm học vừa qua, chị và nhiều phụ huynh khác đã đăng ký học thêm cho con tại lớp của cô giáo vừa chủ nhiệm con năm lớp 7. “Học thêm để con ôn lại kiến thức, cũng là để bọn trẻ không sa đà vào các thiết bị điện thoại, điện tử” - đó là giải thích của rất nhiều phụ huynh. Còn cô giáo Bích Vân - giáo viên bậc THCS (xã Đoàn Đào - Hưng Yên) chia sẻ, các thầy cô gần như không có nghỉ hè, vì chỉ sau 2 tuần kết thúc năm học cũ, lượng học sinh đăng ký học tại trung tâm ngoài nhà trường rất đông. Các lớp học phải chia ca, việc dạy - học diễn ra cả buổi tối.
Có nhiều lý do được đưa ra cho việc học sinh đi học hè. Ngoài lý do giúp con tránh xa các thiết bị điện tử; hoặc gia đình không có người quản lý, còn là việc phụ huynh lo chương trình GDPT mới khó, nên phải cho con học sớm để làm quen với chương trình, SGK của năm học sau…
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm áp dụng từ học kỳ 2 của năm học vừa qua, với những kỳ vọng học sinh không phải học thêm trong nhà trường; tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm; giúp con trẻ có thêm thời gian vui chơi, học tập kỹ năng sống… Dẫu thế, thực tế đã và đang cho thấy việc dạy thêm - học thêm không giảm đi, mà chỉ chuyển từ bên trong nhà trường ra bên ngoài nhà trường.
Trước đó, Bộ GDĐT đã nhận định, dạy thêm học thêm là do nhu cầu của cả người học lẫn người dạy. Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt, ghi nhận cũng có bộ phận học sinh có nhu cầu và tự nguyện học thêm nhưng cũng có tình trạng các em dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do chính thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận học sinh đang phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô hay thậm chí vì bài kiểm tra không bị lạ lẫm.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận. Đa số các ý kiến đề cập việc tiếp tục nâng cao chất lượng dạy - học chính khóa, bởi Bộ GDĐT đã có đánh giá tình hình dạy thêm trá hình dưới nhiều hình thức khá phổ biến, cho thấy còn nhiều khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn. Cha mẹ học sinh xem việc học trên lớp là chưa đủ để đáp ứng yêu cầu thi cử, cần tìm đến học thêm như giải pháp tất yếu để cải thiện kết quả học tập. Tồn tại nêu trên được xem là mối quan hệ cung - cầu. Tuy nhiên, trong các giải pháp được nêu ra, hiện mới thiên về hoàn thiện thể chế quản lý hành chính, trong khi vấn đề mấu chốt khắc phục triệt để mối quan hệ cung cầu này là nâng cao chất lượng dạy và học giờ chính khóa. Do đó, cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để nâng cao chất lượng dạy và học trong giờ chính khóa.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn trước sự tăng vọt về số lượng các trung tâm dạy thêm bên ngoài nhà trường. Đồng tình với nhu cầu học thêm của học sinh, nhưng những ý kiến đóng góp, phân tích bày tỏ trăn trở tới chất lượng đào tạo ra sao, cách quản lý, vận hành trung tâm và cả điều kiện dạy và học có đúng theo quy định hay không?