Bộ GDĐT: Cần đợi kết quả chấm thi tốt nghiệp THPT mới có thể xác định độ khó của đề
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng, việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đối với môn thi Toán và môn thi Tiếng Anh có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng.
Ngày 1/7, Bộ GDĐT đã có báo cáo về kết quả tổ chức thi tốt nghiệp THPT tính đến ngày 30/6/2025.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, tổng số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi là: 1.165.289, nhiều hơn năm 2024 là gần 100.000 thí sinh. Tổng số điểm thi là 2.494; tổng số phòng thi là 49.849.

Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học, giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.
Về đề thi năm nay, Bộ GDĐT đánh giá, đề thi đáp ứng các mục tiêu đề ra của Nghị quyết 29: "Đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".
Kỳ thi được thiết kế để thí sinh dự thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn học sinh được học ở lớp 12. Theo đó, các thí sinh sẽ được chọn 2 môn học sở trường của mình để dự thi và lấy kết quả xét tuyển sinh đại học.
Theo Bộ GDĐT, đề thi gia tăng các các câu hỏi có tính phân hóa. Cụ thể, những năm trước đây, đề thi còn ít câu hỏi để phân loại học sinh, dẫn đến khó khăn cho công tác tuyển sinh, kéo theo nhiều cơ sở giáo dục đại học phải tổ chức các kỳ thi riêng, gây tốn kém và lãng phí cho nguồn lực xã hội.
Bộ GDĐT khẳng định, nội dung đề thi thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Tỉ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu bám sát đề tham khảo đã công bố; có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền.
Việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đổi với môn thi Toán và môn thi Tiếng Anh có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên Bộ GDĐT cho rằng cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng”, Bộ GDĐT cho biết.
Để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29, Kết luận số 91 của Trung ương và các thách thức đề ra đối với công tác đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đề thi đã có nhiều sự điều chỉnh.
Bộ GDĐT khẳng định: “Dù định dạng đề thi và định hướng điều chỉnh công tác ra đề thi đã được công bố từ năm 2023 nhưng do cấu trúc định dạng đề thi mới nên khó tránh khỏi tình trạng giáo viên và học sinh bỡ ngỡ với đề thi năm nay".