Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam: Những dấu ấn của đổi mới

Phạm Sỹ 02/07/2025 07:16

Năm 2025 đánh dấu chặng đường 50 năm đất nước thống nhất. Nửa thế kỷ qua cũng là hành trình vận động không ngừng nghỉ của văn học, nghệ thuật Việt Nam - một dòng chảy luôn song hành cùng đời sống xã hội, phản ánh tâm tư, khát vọng và tinh thần của con người Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử…

Không ngừng vận động

Suốt 50 năm qua, văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp tục kế thừa mạch nguồn truyền thống cách mạng, gắn bó sâu sắc với thực tiễn cuộc sống, phản ánh sinh động chuyển động của xã hội và những vấn đề con người. Không dừng ở nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ, các tác phẩm còn khơi dậy khát vọng hướng tới những giá trị chân – thiện - mỹ, góp phần quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn, tư tưởng, tình cảm và khí phách dân tộc.

bai chinhảnh 4
Nghệ thuật đương đại xuất hiện nhiều sáng tác mới tiếp nối truyền thống và hiện đại. Trong ảnh, ca sĩ Hòa Minzy và những “nghệ sĩ nông dân” trong MV “Bắc Bling”.

Chặng đường văn học nghệ thuật sau thống nhất có thể chia thành nhiều giai đoạn. Từ năm 1986, cùng với công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, văn học, nghệ thuật Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đa dạng hơn về tư duy sáng tạo và hình thức thể hiện. Tinh thần dân chủ và khát vọng đổi mới đã thổi luồng sinh khí mới vào các tác phẩm, thúc đẩy sự chuyển mình trong cách tiếp cận con người và xã hội.

Còn từ thững năm 1990 trở lại đây, đời sống văn hóa nghệ thuật càng trở nên phong phú với sự xuất hiện của các loại hình nghệ thuật đương đại như nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt, đa phương tiện…Các lễ hội văn hóa – âm nhạc, điện ảnh, thơ ca – đã trở thành sân chơi kích thích sự sáng tạo và tạo cơ hội tiếp cận công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Theo ông Hoàng Hà - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật: “Chưa bao giờ văn nghệ sĩ có nhiều điều kiện thuận lợi để công bố, phổ biến các sáng tạo như hiện nay. Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng. Điều này được thể hiện qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ.”

PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá: “Văn học, nghệ thuật Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay đã trải qua chặng đường 50 năm phát triển mạnh mẽ với những thành tựu to lớn trên các loại hình và thể loại”.

Những khoảng trống

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu không thể phủ nhận, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống trong đời sống văn học, nghệ thuật đương đại. Không ít tác phẩm còn thiếu chiều sâu, chưa phản ánh đúng tầm vóc của công cuộc đổi mới đất nước, chưa tạo được sức lay động lớn trong công chúng. Một bộ phận sáng tác chạy theo thị hiếu, thiên về giải trí dễ dãi, xa rời các giá trị nhân văn và chiều sâu văn hóa.

Đặc biệt, một số ý kiến cho rằng, trong khi các loại hình nghệ thuật hiện đại phát triển nhanh thì nghệ thuật truyền thống lại đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Việc bảo tồn, duy trì hoạt động của sân khấu chèo, tuồng, cải lương… đang đặt ra bài toán lớn về khán giả, cơ chế vận hành và đào tạo lớp nghệ sĩ kế cận. Công tác lý luận phê bình dù đã có những chuyển biến nhưng nhìn chung chưa theo kịp thực tiễn sáng tác, chưa định hướng tốt cho thị hiếu thẩm mỹ.

Chính sách đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng tồn tại không ít bất cập. Nhiều nghệ sĩ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, không ít tác phẩm chất lượng cao lại bị hạn chế trong công bố, phát hành do vướng rào cản hành chính hoặc cơ chế đánh giá còn nặng tính hình thức.

NSND Trần Ly Ly - Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Múa Việt Nam chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại khiến công tác đào tạo ngành múa và các ngành nghệ thuật khác chưa thực sự có bước đột phá.

“Chương trình đào tạo chậm đổi mới, vẫn nặng về kỹ thuật cơ bản, thiếu tính liên ngành, chưa phát triển kỹ năng sáng tạo và biểu diễn trong bối cảnh hiện đại. Bên cạnh đó, việc thiếu liên kết với thực tiễn và quốc tế đã dẫn đến những hạn chế trong trao đổi học thuật, hợp tác đào tạo và công nhận bằng cấp giữa các nước. Đồng thời, hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị hiện nay của các cơ sở đào tạo ngành múa và các ngành nghệ thuật vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập hiện đại, chưa theo kịp xu hướng số hóa và biểu diễn đa phương tiện” - NSND Trần Ly Ly nói.

Để văn nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo

Để có thêm những tác phẩm văn học, nghệ thuật thực sự giá trị, phản ánh đúng tinh thần thời đại, không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực riêng lẻ từ đội ngũ sáng tác.

Theo TS Nguyễn Tiến Thư - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ của các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức nghề nghiệp, đội ngũ văn nghệ sĩ và toàn xã hội. Trong đó, vai trò của Nhà nước trong định hướng, đầu tư và bảo trợ cho sáng tạo nghệ thuật là then chốt; đồng thời, đội ngũ văn nghệ sĩ phải tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật.

Sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách và tài chính là điều kiện cần, nhưng yếu tố quyết định vẫn là ý chí, tài năng và bản lĩnh của người nghệ sĩ trong hành trình tìm tòi, sáng tạo.

Theo NSND Trần Ly Ly, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, đổi mới giáo dục và đào tạo các ngành nghệ thuật là yêu cầu tất yếu để thích nghi và phát triển. Việc thay đổi không chỉ là đáp ứng xu hướng thời đại mà còn nhằm khắc phục những bất cập trong đào tạo hiện nay, từ chương trình, phương pháp giảng dạy đến cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên.

“Đổi mới cần được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, có chiến lược dài hạn và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý và cộng đồng nghệ thuật. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng đội ngũ nghệ sĩ tài năng, có bản sắc và đủ năng lực hội nhập quốc tế, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong dòng chảy phát triển chung của nhân loại” - NSND Trần Ly Ly nói.

Còn theo ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), cần phải tạo ra những hành lang pháp lý để văn học nghệ thuật thực sự có điều kiện phát triển một cách mạnh mẽ, đúng định hướng, nhưng vẫn đảm bảo thỏa sức sáng tạo của các văn nghệ sĩ.

Phạm Sỹ