Cái giá không chỉ là mất điểm
Một chiếc camera giấu kín. Một chiếc điện thoại lọt qua giám thị. Một cú bấm gửi đề lên ứng dụng AI. Và rồi, đề thi tốt nghiệp THPT - tài liệu được xếp vào hàng “Tối mật” bị lộ ngay trong phòng thi. Nhưng điều bị đánh mất lớn nhất không phải là điểm số mà là niềm tin.
Chỉ trong vài ngày, hai vụ án hình sự đã được khởi tố vì hành vi làm lộ đề thi. Một ở Lâm Đồng: thí sinh quay đề Ngữ văn gửi ra ngoài nhờ giải bằng ChatGPT. Một ở Hà Nội: hai thí sinh chụp đề nhiều môn, đưa lên ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm đáp án. Những hành vi tưởng như “vụng trộm cá nhân” ấy thực chất là vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Theo Quyết định 531/QĐ-TTg, đề thi tốt nghiệp THPT là tài liệu “Tối mật” trong suốt thời gian làm bài. Theo Bộ luật Hình sự, hành vi làm lộ hoặc chiếm đoạt bí mật nhà nước, dù vô tình hay cố ý đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một vụ do cố ý, một do vô ý, nhưng hậu quả để lại giống nhau: phá vỡ nguyên tắc công bằng, gây tổn thương niềm tin xã hội và đẩy học sinh vào cái giá không chỉ là mất điểm mà còn có thể “mất trắng” cả tương lai.
Phòng thi, nơi lẽ ra bất khả xâm phạm bị xuyên thủng bởi một thiết bị nhỏ xíu, một cú click vài giây. Công nghệ đang làm mờ ranh giới giữa đúng và sai, giữa thông minh và gian trá. Hệ thống giám sát dày đặc: camera, giám thị, quy chế… nhưng đều có thể bị vô hiệu bởi một chiếc điện thoại ngụy trang, một tai nghe siêu nhỏ hay một chiếc cúc áo tưởng chừng vô hại.
Vấn đề không chỉ nằm ở thiết bị quá tinh vi. Mà nằm ở chỗ, tư duy kiểm soát vẫn còn mang tính thủ công. Nhiều giám thị chỉ kiểm tra hình thức trong khi thủ đoạn gian lận bằng công nghệ đã đi trước vài bước. Sự chênh lệch ấy tạo ra lỗ hổng nguy hiểm cho kỷ cương thi cử.
Tuy nhiên, lỗi không nằm hoàn toàn ở giám sát. Gian lận không khởi nguồn từ thiết bị, mà từ nhận thức. Khi điểm số được coi là tấm vé duy nhất để đổi đời. Khi phụ huynh kỳ vọng quá mức, nhà trường chạy theo thành tích, xã hội đặt nặng kết quả... thì học sinh dễ xem gian lận là “phao cứu sinh” hơn là hành vi sai trái.
Không ai sinh ra để gian lận. Nhưng nhiều em lớn lên trong một môi trường mà sự trung thực đôi khi bị xem là “thua thiệt”. Các em bị dồn đến ranh giới của nỗi sợ: sợ trượt, sợ bị bỏ lại, sợ làm cha mẹ thất vọng. Trong khoảnh khắc yếu lòng ấy, ranh giới giữa đúng - sai bị xóa mờ. Một cú bấm máy có thể vượt qua quy chế và cả pháp luật.
Để rồi, điều bị đánh đổi không chỉ là một kỳ thi mà là danh dự, cả con đường tương lai. Hậu quả không dừng ở đình chỉ hay hủy kết quả. Với hành vi làm lộ đề, học sinh có thể bị truy cứu theo Điều 337 hoặc 338 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Nhưng bản án xã hội thậm chí còn dài hơn: bị từ chối xét tuyển, mất cơ hội học tập, mất cả lối vào nhiều ngành nghề. Đó là “vết chàm” có thể theo suốt cuộc đời.
Việc khởi tố hai vụ vừa qua là cần thiết. Không chỉ để răn đe mà để bảo vệ những học sinh trung thực, những em dám bước vào phòng thi bằng năng lực thật. Một kỳ thi công bằng là nền móng của một nền giáo dục lành mạnh. Pháp luật nghiêm khắc chính là hàng rào cuối cùng giữ gìn sự liêm chính đó.
Nhưng giữ được sự liêm chính trong thi cử không thể chỉ trông chờ vào luật pháp. Nó phải bắt đầu từ nhận thức: từ nhà trường, từ phụ huynh, từ từng giám thị và học sinh. Phải nâng cấp quy trình giám sát để không bị bỏ lại bởi các thủ đoạn mới. Phải đào tạo giám thị để nhận diện thiết bị công nghệ ngụy trang. Quan trọng hơn phải dạy lại học sinh về ranh giới đúng - sai, về lòng tự trọng, về giá trị của sự trung thực.
Cần để các em hiểu rằng, điểm thấp không làm hỏng cuộc đời. Nhưng gian lận có thể hủy hoại tất cả. Rằng thất bại trong một kỳ thi không đáng sợ bằng thất bại trong nhân cách. Và rằng, có một vinh quang lớn hơn điểm số là rời khỏi phòng thi với tư cách một người trung thực và ngẩng cao đầu.
Bởi thứ cần được bảo vệ không chỉ là một kỳ thi mà là niềm tin vào thế hệ đang lớn lên.