Thạnh Bình (Đà Nẵng): Ngang nhiên khai thác vàng trái phép
Lợi dụng thời điểm sát nhập các đơn vị hành chính, nhiều đối tượng ngang nhiên khai thác vàng trái phép ở thôn 5, xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam (cũ), nay là xã Thạnh Bình, TP Đà Nẵng. Việc làm này khiến người dân bức xúc vì gây ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự ở địa phương.
Theo người dân xã Thạnh Bình, tình trạng khai thác vàng ở đây diễn ra vài tháng qua, nhưng mức độ rất rầm rộ. Các đối tượng khai thác vàng chủ yếu ở các địa phương khác đổ về khu vực này làm, họ lợi dụng việc mở đường vào các rẫy keo hoặc khai thác keo để khai thác vàng.

Đi vào khu vực này chỉ có một lối đường duy nhất rộng chừng 2m, đưa chúng tôi đến bãi vàng Hồ Nước và Hố Dẻo, cách khu dân cư khoảng 300m. Nơi đây có nhiều lán trại của phu vàng. Đất đai khu vực này bị cày xới và luôn có người canh gác. Nếu thấy người lạ đến khu vực này các đối tượng sẽ cảnh báo để tạm dừng khai thác vàng.
Tại một địa điểm khai thác vàng thuộc rẫy keo của một hộ dân địa phương. Một người dân cho biết, họ không biết điểm khai thác vàng này có được phép khai thác hay không, nhưng có thấy chính quyền xã, lực lượng Công an tổ chức truy quét thường xuyên, nhưng sau khi lực lượng chức năng rời đi thì họ lại tiếp tục công việc của mình.
Ghi nhận của chúng tôi tại địa điểm ở Hồ Nước (xã Thạnh Bình), tại khu vực này có 4 lán trại lợp bạt màu xanh của các phu vàng nằm giữa rừng trồng keo rộng khoảng 2ha. Trong vai nhân viên một công ty về đánh giá môi trường vào ghi nhận thực địa, sau khi trao đổi, chúng tôi được các phu vàng cho biết, đa số họ ở các tỉnh phía Bắc, do không có việc làm ổn định nên được chủ bãi thuê vào để khai thác vàng. Trung bình mỗi ngày các phu vàng được trả tiền công từ 200 - 300.000 đồng/người.
“Mỗi ngày, chúng tôi vào bãi vàng làm việc. Người vào hầm đào đá đưa lên xe đẩy ra ngoài xay nghiền, người ngâm ủ quặng, người vận hành máy móc và các công việc khác. Để có nhiên liệu cho máy móc hoạt động, sẽ có xe chở dầu vận chuyển lên đây” - một phụ vàng chia sẻ.
Cách khoảng vài chục mét, tại khu vực đồi bên cạnh chúng tôi bắt gặp 2 cửa miệng hầm vàng đang được phủ đá, bạt. Cạnh đó là các loại máy móc phục vụ cho việc khai thác vàng như máy nổ, máy phát điện, máy múc, cùng với đó là cả một vùng bị cày xới tan hoang.
Tại địa điểm Hố Dẻo (thôn 5, xã Thạnh Bình), chúng tôi ghi nhận có hơn 8 bể đãi vàng, mỗi bể rộng từ 7 - 15m2. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau khoảng vài ngày ủ, nước sẽ được bơm liên tục vào bể để vàng theo hóa chất trôi ra và được giữ lại bằng một lớp than màu đen để tuyển vàng. Đất đai, cây cối ở khu vực này cũng bị cày xới cả một vùng.
Một người dân cho biết: Hiện nay ở Hồ Nước và Hố Dẻo giống như một đại công trình khai thác vàng, người dân ở đây rất lo lắng, cùng với đó là tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động trong các hầm lò tự phát và mất an ninh trật tự ở địa phương. Chính quyền địa phương cần chấn chỉnh, xử lý triệt để việc khai thác vàng nhằm bảo vệ môi trường cũng như tài nguyên khoáng sản.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Hồng Phát - Chủ tịch UBND xã Tiên An cho biết: Khu vực bãi vàng Hồ Nước đã có từ lâu nhưng đã bị đóng cửa. Người dân được giao đất trồng keo trên bãi vàng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người tận dụng việc mở đường vào rẫy để khai thác cây keo và họ lén lút khai thác vàng trái phép.
“Gần đây, do lợi dụng thời điểm việc sáp nhập xã nên các đối tượng càng lén lút khai thác vàng trái phép ở khu vực này. Cách đây 2 ngày, chính quyền địa phương đã tổ chức truy quét, tháo dỡ lán trại, máy móc của các phu vàng” - ông Phát nói.
Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết: Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng cảnh sát kinh tế nắm tình hình để có kế hoạch xử lý việc khai thác vàng trái phép ở Thạnh Bình”.