Trang bị cho học sinh kỹ năng ứng phó với những tình huống bất thường
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 vừa qua, một nam sinh đến trễ đã nhanh trí xử lý tình huống để được hỗ trợ kịp thời tại điểm gần nhất, kịp hoàn thành kỳ thi.
Khi giờ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sắp bắt đầu, Lê Quốc, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Hàn Thuyên (TPHCM) bất ngờ gặp tình huống hỏng bánh xe giữa đường khi còn khoảng 8km nữa mới đến điểm thi. Rất may mắn lúc đó em nhận được sự hỗ trợ kịp thời của giáo viên, trấn an em bình tĩnh và tìm đến điểm thi gần nhất.
Nam sinh tìm đến được điểm thi Trường THPT Vĩnh Lộc thì cổng đã đóng, em trình bày sự việc và được hội đồng thi cho vào bên trong. Lúc này đã phát đề rồi, em trễ gần 10 phút, theo quy định đến trễ 15 phút không được vào phòng thi. Sau đó, em được hội đồng hỗ trợ rất nhanh chóng, bố trí thi ở phòng thi dự phòng và hoàn thành 2 bài thi tự chọn.

Trên thực tế, việc xử lý tình huống bất thường như của em Quốc đã nằm trong hướng dẫn tập huấn thi của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM trước đó. Nhờ sự chấp thuận kịp thời của Hội đồng thi tốt nghiệp THPT TPHCM, sự hỗ trợ của các thầy cô trong Hội đồng thi, thầy cô giáo dạy Quốc… và sự nhanh nhạy của chính Quốc khi tìm đến điểm thi gần nhất và chủ động báo cáo tình hình để được trợ giúp.
Đi trễ là tình huống bất ngờ nhưng không hiếm trong các kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh lớp 10. Tại kỳ thi vào lớp 10 ở TPHCM vừa qua, một thí sinh do nhầm giờ thi từ 6 giờ 30 thành 9 giờ 30 nên không được vào phòng thi, đánh mất cơ hội vào trường công lập. Trong đời sống, sự cố là điều khó tránh dù đã chuẩn bị kỹ. Vì vậy, mỗi người – nhất là học sinh cần được trang bị sớm kỹ năng ứng phó với các tình huống bất thường. Theo các chuyên gia, đây là nền tảng cần thiết, nên được giáo dục từ sớm thông qua chương trình học, hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm thực tế.
Công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong học đường hiện nay được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm và cụ thể hóa bằng việc lồng ghép trong nhiều nội dung các môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, tùy từng điều kiện mỗi trường, mỗi giáo viên triển khai nội dung này theo các cách khác nhau với cùng một mục tiêu là giúp trang bị, rèn luyện cho học sinh các kỹ năng cần thiết để tồn tại, để chung sống và để ứng phó linh hoạt với những tình huống.
Vì kỹ năng sống không phải do bẩm sinh di truyền mà được hình thành và phát triển qua quá trình sống, học tập, hoạt động trải nghiệm nên nhà trường có nhiệm vụ rất quan trọng đó là giáo dục kỹ năng sống, trang bị cho học sinh kiến thức, thái độ và kỹ năng phù hợp, từ đó hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong cuộc sống; tạo cơ hội cho các em có khả năng xử lý mọi vấn đề xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày.
Không thể xem nhẹ việc trang bị kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng ứng phó với các tình huống bất thường cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng để đạt hiệu quả, học phải đi đôi với hành. Giáo viên cần thiết kế và tổ chức thực hiện các hoạt động trong và ngoài giờ học sao cho học sinh có cơ hội thể hiện ý tưởng cá nhân, tự trải nghiệm và biết phân tích kinh nghiệm sống của mình và người khác.