Xuất khẩu 6 tháng đầu năm vượt mục tiêu
Theo dự báo mới nhất từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt từ 426 – 430 tỷ USD, tăng khoảng 15,5 – 15,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 215 – 217 tỷ USD, tăng khoảng 13,8 – 14%. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, với mức thặng dư ước đạt 3,4 – 4 tỷ USD.

Một số nhóm hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày và nông sản đều ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Riêng ngành dệt may đạt kim ngạch 3,84 tỷ USD trong tháng 5 – mức cao nhất từng ghi nhận trong các tháng 5, vượt thời điểm tăng trưởng “bùng nổ” của năm 2022. Lũy kế 6 tháng, ngành này xuất khẩu sang 132 thị trường, với Mỹ là thị trường lớn nhất, đạt gần 7 tỷ USD, tăng 17%.
Ở nhóm nông sản, cà phê là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 5,5 tỷ USD, vượt cả con số 5,4 tỷ USD của cả năm 2024. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm ước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 16,8%.
Theo Bà Mai Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đây là nền tảng quan trọng để xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lưu ý những rủi ro từ bên ngoài như biến động giá cả thế giới, xung đột địa chính trị và chính sách bảo hộ của các nước lớn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm khoảng 12%, tương đương 450 tỷ USD, Bộ đang xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt, tăng cường công tác dự báo, khuyến nghị ngành hàng và địa phương kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh, tập trung vào việc đa dạng hóa thị trường và cảnh báo rủi ro gian lận xuất xứ. Các đoàn kiểm tra, xác minh nguồn gốc hàng hóa cũng sẽ được tổ chức thường xuyên nhằm đảm bảo tuân thủ quy định thương mại quốc tế, nâng cao uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường toàn cầu.