Tinh hoa Việt

Báo chí trong kỷ nguyên mới: Tầm nhìn kiến tạo

CA - Hồng Nhung - Lan Trinh 27/06/2025 14:55

Tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2025 diễn ra trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2025, có 12 phiên họp, trong đó có 2 phiên toàn thể khai mạc, bế mạc và 10 phiên thảo luận với các chủ đề hấp dẫn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí.

1.jpg
Nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng: Đi xa hay gần thì vẫn phải quay lại giá trị cốt lõi của báo chí là chất lượng tác phẩm. Ảnh: BTC.

Chất lượng và tính khả tín của nguồn tin vẫn là giá trị cốt lõi

Tại phiên thảo luận "Báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên mới: Tầm nhìn kiến tạo không gian phát triển" với sự điều phối của PGS.TS Bùi Chí Trung, các đại biểu và chuyên gia thảo luận sâu về những thách thức, cơ hội cũng như các giải pháp then chốt để báo chí Việt Nam phát triển bền vững.

Trình bày tham luận “Sự vận động của báo chí truyền thông toàn cầu và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình nhận định: báo chí, truyền thông thế giới đã và đang bước và kỷ nguyên mới. Trong vòng chưa đầy 20 năm, từ thời đại in ấn và truyền hình truyền thống đã chuyển sang giai đoạn “toàn kỹ thuật số” - nơi mà tin tức không chỉ được sản xuất nhanh hơn mà còn lan truyền với vận tốc tức thì qua mạng xã hội, qua các nền tảng internet và thiết bị di động. Trong làn sóng chuyển động toàn cầu, báo chí cách mạng Việt Nam không đứng ngoài xu thế.

“Nhìn lại một thế kỷ phát triển, có thể thấy báo chí Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ mô hình truyền thống sang hiện đại, từng bước hội nhập với các tiêu chuẩn báo chí và truyền thông toàn cầu. Sự phát triển này không chỉ thể hiện khát vọng đổi mới, bắt kịp tốc độ chuyển đổi số của thế giới mà còn khẳng định vai trò định hướng thông tin và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội Việt Nam hiện đại” - Thứ trưởng Lê Hải Bình khẳng định.

Còn theo TS Nguyễn Thanh Hòa, Chuyên gia báo chí truyền thông, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh, để xác định tầm nhìn 10 năm tới, ông Hòa cho rằng báo chí cần tiếp tục thực hiện mục tiêu: Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu quả. Trong đó, quan điểm cốt lõi là: Nền báo chí nhân văn lấy việc phục vụ cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm đầu. Trước yêu cầu của đất nước hôm nay, từng cơ quan báo chí phải mạnh, thì mới có tổ hợp báo chí mạnh, mới có thể tạo dựng cộng đồng, giúp người dân, doanh nghiệp, và hoạt động thực thi chính sách.

“Hiện đại hóa báo chí chính là phá bỏ tính rập khuôn, lối mòn, thể hiện qua cả nội dung và hình thức. Kiến tạo một thực tại mới cho báo chí đồng nghĩa với hành động để tạo ra những biến chuyển tích cực cho mối tương tác giữa nghề báo và không gian mạng. Càng tạo ra được những dòng chủ lưu thông tin, báo chí càng tiệm cận với sứ mệnh giám sát, phản biện xã hội. Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đặc biệt là công dân số đòi hỏi báo chí cũng phải am tường hoạt động, thói quen, hành vi mới của những lớp công chúng mới” - chuyên gia báo chí Nguyễn Thanh Hòa chia sẻ.

TS Trần Đăng Tuấn cho rằng, các cơ quan báo chí nên nghĩ tới việc kết hợp với các hoạt động truyền thông, thăm dò dư luận xã hội... để đa dạng hóa và tăng nguồn thu. Có rất nhiều cách làm. Nhưng đi xa, hay đi gần thì cuối cùng vẫn phải quay về câu chuyện cốt lõi: Báo chí chất lượng.

2.jpg
Phiên thảo luận về trí tuệ nhân tạo và chiến lược chuyển đổi số của tòa soạn. Ảnh: BTC.

Định hình tương lai báo chí trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là công cụ đắc lực, thậm chí mang tính cách mạng đối với lĩnh vực báo chí – truyền thông. Tuy nhiên, AI chỉ thật sự phát huy vai trò nếu được đặt trong một chiến lược tổng thể, bài bản và dài hơi. Đây là thông điệp được nhấn mạnh tại phiên thảo luận 4 với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và chiến lược chuyển đổi số của các toà soạn báo chí Việt Nam”.

Báo chí cần quay trở lại giá trị cũ: Tất cả độc giả đều mong muốn có những nguồn tin khả tín, chính thống. Bản thân các nhà báo cũng cần phải thực sự là nhà báo, thực sự phải coi báo chí là vũ khí cách mạng. Càng đối mặt với sức ép từ mạng xã hội, AI, những yêu cầu này càng cần thiết.
(Chuyên gia Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT)

Từ khảo sát thực tế về mức độ ứng dụng AI tại các cơ quan báo chí Việt Nam đến các mô hình AI bản địa hóa trong truyền thông tiếp thị (MarCom), từ giải pháp phòng chống thông tin sai lệch đến thực tiễn ứng dụng AI trong sản xuất nội dung truyền hình.

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều cơ quan báo chí trong nước vẫn còn khá lúng túng khi tiếp cận khái niệm chuyển đổi số. Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), khảo sát thực tiễn tại nhiều tòa soạn cho thấy chỉ có chưa đến 10 cơ quan báo chí ban hành được chính sách chính thức liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Phần lớn các đơn vị chưa thực sự bước vào giai đoạn ứng dụng AI một cách hệ thống và bài bản.

Lý giải cho thực trạng này, một trong những nguyên nhân quan trọng theo ông Nguyễn Quang Đồng là việc các tòa soạn đang đặt sai trọng tâm trong cách tiếp cận AI. Thay vì xem AI là một phần của chiến lược tổng thể, nhiều nơi lại triển khai rời rạc, tự phát, chủ yếu ở cấp độ cá nhân hoặc bộ phận nhỏ, thiếu sự phối hợp mang tính tổ chức. Bên cạnh đó, hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự cũng là một rào cản không nhỏ, khiến việc đầu tư vào các nền tảng AI hiện đại, đồng bộ trở nên khó khăn. Tất cả những yếu tố này khiến báo chí Việt Nam chưa thể tận dụng được hết tiềm năng của công nghệ AI trong quá trình chuyển đổi số.

Công nghệ AI là xu thế không thể đảo ngược. Nhưng trong cuộc đua công nghệ, điều cần nhấn mạnh rằng công nghệ chỉ là phương tiện, không phải đích đến. Báo chí nên sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ chiến lược, không phải thay thế con người. Thay vì chỉ dùng AI để viết tin hay dịch máy một cách máy móc, các tòa soạn cần tích hợp AI vào quy trình sản xuất nội dung một cách bài bản, từ gợi ý tiêu đề, tóm tắt, đến phân tích hành vi độc giả để cá nhân hóa nội dung. Quan trọng hơn, việc ứng dụng AI phải đi kèm với kiểm duyệt con người, đảm bảo tính xác thực, độ tin cậy và đạo đức nghề báo trong kỷ nguyên số.

Khi hành vi tiếp cận thông tin của độc giả ngày càng cá nhân hóa, các mô hình kinh doanh báo chí cần được định hình lại. Doanh thu từ quảng cáo truyền thống đang thu hẹp, báo chí cần tính đến đa dạng hóa nguồn thu, phát triển nội dung trả phí, tăng cường giá trị dịch vụ gắn với cộng đồng bạn đọc.

Trong kỷ nguyên của AI, nếu không định vị lại bản sắc, báo chí có thể bị “hòa tan” trong biển thông tin vô chủ. Nhưng nếu biết cách tận dụng công nghệ để làm sâu sắc thêm năng lực điều tra, phân tích, kể chuyện… thì AI sẽ là cánh tay nối dài, tiếp sức cho báo chí giữ vững giá trị tốt mà nó mang lại.

Dữ liệu là nền móng vững chắc của một tòa soạn hiện đại trong kỷ nguyên số

Nếu AI là công cụ thúc đẩy, thì dữ liệu chính là “nhiên liệu” không thể thiếu cho một tòa soạn thông minh.Với dữ liệu, báo chí đang chuyển mình từ “sản xuất hàng loạt” sang “may đo nội dung”. Không chỉ định hình nội dung, dữ liệu còn là công cụ chiến lược trong kinh tế báo chí. Tuy nhiên, cùng với cơ hội, dữ liệu cũng đặt ra nhiều thách thức như cách cân bằng giữa cá nhân hóa và quyền riêng tư, cách để đảm bảo sự chính xác của AI và không làm mờ đi vai trò của con người trong quy trình sản xuất tin, cần người làm báo phải đi tìm lời giải đáp.

Phiên thảo luận thứ 8 là một cuộc đối thoại sâu sắc về “Dữ liệu là gốc của một tòa soạn hiện đại”, với sự tham gia của những chuyên gia đầu ngành, những diễn giả dày dặn kinh nghiệm trong ứng dụng báo chí dữ liệu.

Bắt đầu phiên thảo luận, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Trưởng Ban Nhân dân Điện tử, Báo Nhân Dân, điều phối viên của phiên thảo luận, nhấn mạnh: trong báo chí hiện đại, dữ liệu không chỉ là con số – mà là nhịp đập của tòa soạn, phản ánh rõ nhu cầu, hành vi và thói quen tiêu thụ thông tin của độc giả.

Cùng góc nhìn thực tiễn, bà Nguyễn Thu Hương, Phó Tổng Biên tập báo VnExpress đưa ra ví dụ sinh động về bản đồ tương tác theo dõi bão Yagi – một ứng dụng điển hình của báo chí dữ liệu (data jour-nalism), giúp chuyển hóa thông tin thời sự thành trải nghiệm trực quan, dễ tiếp cận hơn với công chúng. Bên cạnh đó, bà cũng chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình sử dụng dữ liệu của báo VN Ex-press. Đúc rút từ thực tiễn, bà khẳng định dữ liệu là nền tảng, không phải “đũa thần”, sử dụng dữ liệu hiệu quả đòi hỏi phải thực hành liên tục, kiên trì, chấp nhận sai và sửa.

Ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Digital) đưa ra tham luận về Dữ liệu và truyền hình số – Làm chủ công nghệ để giữ chân khán giả đa nền tảng, trong đó giới thiệu hệ thống VTV Ratings – nền tảng dữ liệu thời gian thực giúp Đài Truyền hình Quốc gia tối ưu lịch phát sóng, phát hiện xu hướng và điều chỉnh nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng khán giả. Có thể nói, VTV Ratings tạo cơ sở vững chắc, mở ra những cơ hội mới trong việc cá nhân hóa nội dung, tối ưu hóa quảng cáo và dự đoán xu hướng truyền thông. Trong tương lai, hệ thống sẽ tiếp tục phát triển với công nghệ A.I, dữ liệu nâng cao và phân tích chuyên sâu, giúp Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trong ngành truyền thông số.

Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu cũng kéo theo nhiều thách thức mới. Ông Ngô Mạnh Hà, Giám đốc Công nghệ Công ty TechX cảnh báo về rủi ro dữ liệu sai lệch khiến AI “suy diễn lệch lạc”, đồng thời đặt câu hỏi về ranh giới giữa cá nhân hóa và quyền riêng tư. Ông đưa ra những nguyên tắc cốt lõi cần tuân thủ để cân bằng giữa ranh giới mong manh trên như: minh bạch - công khai mục đích thu thập dữ liệu, tối giản - chỉ thu thập dữ liệu cần thiết, bảo mật - áp dụng mã hóa và phân quyền, đồng thuận - người dùng phải được thông báo, tôn trọng.

Phiên thảo luận có sự đồng thuận của các diễn giả về sự khẳng định vai trò không thể thay thế của nhà báo trong quy trình sản xuất nội dung. Trong kỷ nguyên AI, chuyển đổi số trong báo chí không đơn thuần là áp dụng công nghệ – đó là hành trình thay đổi tư duy, lấy dữ liệu làm nền tảng, lấy độc giả làm trung tâm, và lấy sự minh bạch làm kim chỉ nam.

3(1).jpg

Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII), đồng thời là điều phối viên phiên của phiên thảo luận 4 khẳng định: Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà là điều kiện sống còn của các tòa soạn trong kỷ nguyên công nghệ. Trong bối cảnh AI không chỉ thay đổi cách viết bài mà còn định hình cả hành vi tiếp nhận và phân phối thông tin, báo chí Việt Nam cần xác lập cho mình một hướng đi rõ ràng, linh hoạt và có trách nhiệm. Tuy nhiên, AI đặt ra một bài toán đầy thách thức nhưng không thể thay thế hoàn toàn con người. Phóng viên sở hữu những trải nghiệm trong quá trình làm tin mà AI không thể có được.

"Chúng ta không nên quá ỷ lại vào AI vì điều này có thể làm giảm giá trị của phóng viên. Thay vì lo sợ, phóng viên cần xem xét việc tích hợp và ứng dụng AI vào quy trình tác nghiệp báo chí để không bỏ lỡ cơ hội phát triển. Thực tế cho thấy, đã có tới 60% phóng viên báo chí sử dụng AI và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên, đòi hỏi sự thay đổi trong chất lượng đào tạo để ứng dụng AI hiệu quả vào công việc", ông Thành nhận định.

CA - Hồng Nhung - Lan Trinh