Vụn Art và hành trình ‘tái sinh’ từ vụn vỡ
Một chút kiên nhẫn, một chút yêu thương và một bàn tay dẫn dắt, những mảnh vải tưởng như thừa thãi ấy có thể ghép lại thành điều đẹp đẽ. Đó là điều mà doanh nhân Lê Việt Cường đã và đang làm cùng Vụn Art - một tổ chức đặc biệt, nơi người khuyết tật tìm thấy lại chính mình qua từng tác phẩm.
Gặp gỡ và trò chuyện cùng anh Lê Việt Cường, giám đốc Hợp tác xã Vụn Art tại một xưởng nhỏ nằm nép mình giữa lòng Hà Đông, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn những khó khăn mà anh và các cộng sự đã trải qua. Từ câu chuyện đời cá nhân cho đến hành trình kiến tạo một mô hình kinh tế xã hội nhân văn, từng lời nói của anh đều thấm đẫm suy tư - về sự sẻ chia, về khát vọng sống và niềm tin vào khả năng đổi thay của con người.

Tái sinh từ giới hạn của chính mình
Căn bệnh bại liệt từ lúc 9 tháng tuổi khiến anh Cường không thể đi lại và hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng, trong câu chuyện về hành trình đời mình, anh không gọi đó là một biến cố hay nỗi đau quá lớn. “Chỉ là một điều không may xảy ra”, anh Cường nhẹ nhàng nói. Anh chọn cách chấp nhận và bước tiếp, thay vì sống mãi trong sự mặc cảm.
Để đến được với Vụn Art ngày hôm nay, anh Cường đã phải trải qua một quá trình nỗ lực không ngừng. Trước khi sáng lập Vụn Art, anh từng điều hành Kym Việt - mô hình sản xuất thú nhồi bông bằng cát, tạo việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, theo anh, mô hình này mới chỉ thay đổi một phần cuộc sống của người khuyết tật và phần nào cộng đồng, chứ chưa chạm tới gốc rễ của vấn đề. Điều anh thực sự mong muốn là tạo ra một mô hình bền vững - không dựa vào lòng thương hại, mà dựa vào giá trị thật sự. “Ngày trước mọi người thường hay hoài nghi:“Ông này chắc mở ra cái này đi lợi dụng khuyết điểm trên cơ thể để xin tiền” thì hiện tại mọi người đã nhận ra được rằng, giá trị thực sự không phải là việc mình cứ cho tiền thì cuộc sống của họ sẽ thay đổi. Điều thay đổi được những người khuyết tật ở đây đó là việc chúng ta cung cấp cho họ kỹ năng sống cũng như những yếu tố khác để giúp họ hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống này.” Anh Cường chia sẻ.
Cơ duyên đến khi anh được một người quen giới thiệu học kỹ thuật tranh ghép vải. Thoạt đầu chỉ là sự tò mò, nhưng càng tìm hiểu, anh càng nhận ra tiềm năng của chất liệu này - không chỉ ở khía cạnh nghệ thuật, mà còn ở khả năng tạo sinh kế cho người yếu thế. Anh bắt đầu hành trình mới: gõ cửa từng phường trên địa bàn quận Hà Đông, miệt mài đi tìm và vận động người khuyết tật tham gia lớp học nghề. Khi có mười người đầu tiên tham gia, anh dùng chính khoản tiền tiết kiệm ít ỏi của mình để hỗ trợ học phí, bữa ăn hằng ngày.
Từ những trăn trở và nỗ lực không mỏi ấy, năm 2018, anh Cường đã thành lập nên tổ chức Vụn Art, nơi trao cơ hội làm việc cho người khuyết tật.

Vẻ đẹp của sự tái sinh
Theo anh Cường, tên gọi “Vụn Art” mang một triết lý sâu sắc:“Mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vải vụn nhỏ, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng giống như chất keo kết dính chúng tôi lại thành mảng lớn hơn, khi chúng ta ghép thành miếng vải lớn thì trên miếng vải đó sẽ vẽ được giấc mơ của mình. Khi đó không còn là VỤN bé nhỏ nữa.”
Điểm độc đáo trong hành trình sáng tạo của Vụn Art là việc sử dụng vải vụn từ làng lụa Vạn Phúc - chất liệu tưởng chừng bỏ đi, nhưng dưới bàn tay tỉ mỉ và trí tưởng tượng của những người thợ đặc biệt, chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc Việt. Mô hình của Vụn Art không chỉ dừng ở việc tạo việc làm. Tại đây, người khuyết tật được đào tạo nghề, rèn luyện kỹ năng cắt - dán - thiết kế tranh ghép từ vải vụn bỏ đi, kết hợp yếu tố mỹ thuật dân gian như tranh Đông Hồ, Hàng Trống…. Vừa bảo tồn văn hóa, vừa bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ các bạn cũng có một số khó khăn nhất định. Với những bạn khuyết tật có thể vận động, việc đào tạo nghề diễn ra tương đối thuận lợi. Nhưng với các bạn tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ hay khiếm thính, quá trình này trở nên gian nan hơn rất nhiều. “Người khiếm thính thì rào cản lớn nhất là giao tiếp. Còn với các bạn tự kỷ hoặc chậm phát triển trí tuệ, khó khăn lớn nhất nằm ở nhận thức. Mỗi bạn lại có một dạng rối loạn, một phổ tự kỷ khác nhau nên tính cách và hành vi cũng khác nhau”, anh Cường chia sẻ. Chính vì thế, Vụn Art chỉ có thể tiếp nhận những trường hợp đặc biệt là những bạn dù mang khuyết tật trí tuệ nhưng vẫn còn khả năng lao động và có thể hướng nghiệp. Với anh Cường, điều quan trọng không phải là giúp thật nhiều, mà là giúp đúng người, đúng cách.
Với mục tiêu giúp người khuyết tật tự chủ kinh tế, sống bằng năng lực và giá trị lao động của chính mình thay vì dựa vào lòng thương hại, anh Cường đã xây dựng Vụn Art trở thành một mô hình xã hội bền vững. Tại Vụn Art, người khuyết tật được học nghề hoàn toàn miễn phí.
Vụn Art ngày nay đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2020, đạt danh hiệu Top 4 Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2018... được trưng bày tại nhiều hội chợ, triển lãm và được khách hàng trong và ngoài nước yêu thích. Một số sản phẩm nổi bật của Vụn Art đã đạt chuẩn OCOP 4 sao có thể kể đến như: tranh ghép vải, túi xách, áo phông và các sản phẩm thủ công tái chế. Những sản phẩm này không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Canada…, mở ra cánh cửa mới cho sản phẩm thủ công của người khuyết tật Việt Nam vươn ra thế giới.

Không làm từ thiện mà trao cơ hội
Giá trị lớn nhất mà Vụn Art mang lại không chỉ nằm ở thu nhập ổn định cho người lao động yếu thế, mà còn là sự thay đổi trong tư duy xã hội. Ở đó, người khuyết tật không còn bị nhìn qua lăng kính thương hại mà được nhìn nhận bằng sự trân trọng dành cho những người sống có năng lực, có cống hiến và lòng tự trọng. Vụn Art cũng góp phần lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường thông qua việc tái chế chất liệu bỏ đi thành những sản phẩm mang đậm giá trị văn hóa và thẩm mỹ.
“Một trong những điều mà mình thay đổi nhiều nhất khi làm ở Vụn Art đó là việc mình dần tự tin hơn. Lúc mới vào làm mình là một người rất tự ti, nhưng sau một thời gian thì mình dần hòa nhập với công việc của mình. Điều thay đổi tiếp theo đó là việc mình dần hoàn thiện tay nghề của mình hơn. Ngày đầu khi mình làm mình gặp nhiều khó khăn trong những công đoạn ví dụ như cắt giấy làm sản phẩm, nhưng dần dần mình quen tay hơn và mình cũng giúp đỡ các bạn làm cùng để các bạn cùng tiến bộ. Mình mong muốn những bạn có hoàn cảnh giống mình sẽ cố gắng hơn nữa để vượt lên những khó khăn trong cuộc sống”. Chị Bùi Thu Dung chia sẻ.
Từ người từng cần giúp đỡ, anh Cường đã trở thành người mở cánh cửa hy vọng cho những phận đời kém may mắn. Anh không làm từ thiện, mà trao cơ hội. Anh không giúp đỡ, mà khơi dậy giá trị bên trong mỗi con người. Đó là sự tự tin, sự sáng tạo và lòng kiên cường. Ở Vụn Art, mỗi người khuyết tật không chỉ tìm thấy một công việc, mà còn tìm lại được chính mình.