Kênh thương mại điện tử: Tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa
Trong dự thảo Luật Thương mại điện tử (TMĐT) sửa đổi đang được Bộ Công thương lấy ý kiến có nội dung yêu cầu các sàn TMĐT phải chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa. Đây là yêu cầu để nâng cao chất lượng hàng hoá được bán trên sàn TMĐT.
Hạn chế tình trạng thổi phồng thông tin
Theo dự thảo Luật TMĐT, chủ quản sàn điện tử phải xác thực danh tính người bán trong nước và hợp pháp hóa lãnh sự đối với người bán nước ngoài.
Đáng chú ý, sàn phải kiểm duyệt nội dung thông tin sản phẩm do người bán tạo trước khi cho hiển thị, thay vì chỉ xử lý sau phản ánh. Việc kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ thông tin vi phạm cũng phải thực hiện kịp thời trong vòng 24 giờ.
Ngoài ra, phải đảm bảo hiển thị đầy đủ, chính xác phản hồi của người tiêu dùng và xây dựng cơ chế kiểm soát việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phân phối, đề xuất sản phẩm, đặc biệt với các nền tảng quy mô lớn.
Bên cạnh đó, người bán hàng trên các sàn TMĐT trung gian có nghĩa vụ cung cấp chính xác toàn bộ thông tin liên quan đến sản phẩm, bao gồm các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo đúng quy định pháp luật.
Dự thảo lần đầu tiên quy định trách nhiệm cụ thể đối với người bán hàng qua livestream và người làm nội dung đánh giá sản phẩm (reviewer) có hoạt động tiếp thị liên kết.
Những thành phần này buộc phải có kiến thức pháp luật về TMĐT, cung cấp thông tin định danh cho nền tảng, công khai việc được tài trợ (nếu có) và tuân thủ quy định về cung cấp thông tin sản phẩm, giá cả, quảng cáo, khuyến mại và bảo vệ người tiêu dùng.
Quy định này nhằm kiểm soát hiệu quả hoạt động quảng bá sản phẩm trên không gian mạng, hạn chế tình trạng thổi phồng thông tin, “treo đầu dê, bán thịt chó” đánh lừa người mua qua các kênh phi truyền thống.
Giải quyết vấn đề hàng giả, hàng nhái
Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, TMĐT trở thành phương thức kinh doanh không thể thiếu để các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tối ưu hóa hoạt động. Đặc biệt, với đặc thù linh hoạt, quy mô vừa và nhỏ chiếm đa số, TMĐT giúp DN, hộ kinh doanh tiếp cận khách hàng toàn quốc, thậm chí toàn cầu - với chi phí thấp hơn nhiều so với kênh truyền thống.
Nhu cầu này trở nên cấp bách khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến, đòi hỏi DN phải xây dựng kênh phân phối số, tối ưu trải nghiệm khách hàng và đa dạng hóa phương thức thanh toán. Bên cạnh đó, TMĐT còn giúp kinh tế tư nhân tăng hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận hành và nhanh chóng thích ứng với biến động thị trường...
Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh nhận định, dự thảo Luật TMĐT hướng đến 2 trụ cột chính là tăng cường công tác quản lý nhà nước về TMĐT nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống thất thu thuế, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và phát triển TMĐT xanh, bền vững, tạo sự cạnh tranh công bằng với DN trong nước; các yếu tố hỗ trợ cho TMĐT phát triển.
Bà Oanh nhấn mạnh, dự thảo Luật TMĐT đặt trọng tâm giải quyết một số vấn đề tồn đọng hiện nay như: kiểm soát, xử lý hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, đặc biệt trong việc định danh người bán, truy vết và xử lý vi phạm; tránh thất thu thuế từ hoạt động TMĐT bao gồm cả TMĐT xuyên biên giới; nâng cao công tác bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT và xây dựng các chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT trong giai đoạn tới.