Tạo đột phá trong phát triển trung tâm tài chính quốc tế
Hai Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam được xác định thành lập tại TPHCM và TP Đà Nẵng. Do được “sinh sau” so với các nước trong khu vực và thế giới nên cần chính sách vượt trội và có những sản phẩm riêng biệt thì mới đủ sức cạnh tranh.
Cần sản phẩm riêng biệt
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Theo đó xác định, Trung tâm tài chính quốc tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định do Chính phủ thành lập đặt tại TPHCM và TP Đà Nẵng, tập trung hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính và dịch vụ hỗ trợ. Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2025.

Đáng chú ý, 2 Trung tâm tài chính quốc tế này được xây dựng trên cơ sở thống nhất về hoạt động, quản lý, giám sát. Có định hướng phát triển sản phẩm riêng biệt, phát huy thế mạnh của từng thành phố. Đảm bảo sự công bằng, tương hỗ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu, gắn với động lực tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là khi chúng ta xây dựng sau các nước, vậy tận dụng lợi thế nào để tạo đột phá và mang tính cạnh tranh? Theo Nghị quyết của Quốc hội thì các chính sách đặc thù phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam tập trung vào ngoại hối, hoạt động ngân hàng, ưu đãi thuế, phát triển thị trường vốn, tài chính, đất đai, lao động, việc làm, cũng như chính sách thử nghiệm có kiểm soát dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ (Fintech) và đổi mới sáng tạo, phát triển các loại thị trường, sàn giao dịch hàng hóa.
Cùng với đó, dự án đầu tư trong Trung tâm tài chính quốc tế thuộc lĩnh vực ưu tiên được giao, cho thuê đất tối đa 70 năm, dự án thuộc lĩnh vực khác thời hạn sử dụng đất không quá 50 năm.
Theo ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) mỗi trung tâm tài chính trên thế giới đều có những thế mạnh riêng. Như Singapore mạnh về quản lý tài sản, London (Anh) mạnh về trung tâm giao dịch ngoại hối. Hay Trung Quốc có 2 trung tâm tài chính quốc tế nhưng cũng có định hướng khác nhau. Bởi vậy, theo bà Tú Anh, tại Việt Nam, cần xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế trên 3 trụ cột: trung tâm tài chính kết nối chuyển đổi số và tài chính xanh Đông Nam Á; dịch vụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và chuỗi cung ứng toàn cầu; định hướng trở thành bệ phóng cho đổi mới sáng tạo tài chính Fintech Hub.
Với tiềm năng phát triển giao dịch tài chính số, tài sản số và ứng dụng công nghệ tài chính Fintech tại Việt Nam, bà Tú Anh nêu quan điểm, cần xây dựng khung pháp lý Sandbox cho phép các công ty Fintech thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới mà không bị ràng buộc cứng nhắc bởi các quy định hiện hành. Đồng thời khuyến khích sự hợp tác giữa các ngân hàng truyền thống, công ty công nghệ, trường đại học và các startup Fintech để tạo ra các giải pháp đột phá. Nhất là, một hệ thống giải quyết tranh chấp công bằng, nhanh chóng và có khả năng thực thi cao là yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin và thu hút nhà đầu tư quốc tế.
Mặt khác, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, xây dựng Trung tâm tài chính là hình thành một khu vực có chính sách và khung pháp lý riêng, vượt trội, đặc thù nhằm thu hút các nhà đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính và các dịch vụ phi tài chính liên quan kết nối với các trung tâm tài chính quốc tế. Mức độ phát triển và năng lực cạnh tranh của trung tâm tài chính được đánh giá theo Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) dựa trên 5 trụ cột: Môi trường kinh doanh; hệ sinh thái tài chính; cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; uy tín, thương hiệu của thành phố.
Thu hút nguồn nhân lực cách nào?
Một yếu tố được đặt ra để vận hành trung tâm tài chính quốc tế đó là nguồn nhân lực. Tại Nghị quyết được Quốc hội thông qua có cơ chế nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, người có trình độ chuyên môn cao làm việc tại trung tâm tài chính quốc tế, bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài, được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có được từ thực hiện công việc của trung tâm tài chính quốc tế đến hết năm 2030.
Bên cạnh đó, để thu hút nguồn nhân lực cũng có cơ chế đối với cá nhân có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào thành viên của trung tâm tài chính quốc tế cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân đến hết năm 2030. Người nước ngoài là nhà đầu tư quan trọng, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, nhà quản lý cấp cao làm việc lâu dài tại cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Trung tâm tài chính quốc tế được xem xét cấp thẻ thường trú, được hưởng chính sách thuận lợi về thủ tục cấp thẻ thường trú so với quy định chung.
Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TPHCM), để thu hút giới tài chính quốc tế cần quan tâm tới vấn đề nhân sự. Bởi hệ sinh thái tài chính quốc tế của Việt Nam còn non trẻ nên rất thiếu nhân sự trong lĩnh vực này, bao gồm cả nhân sự quản lý trung tâm, nhân sự chuyên ngành tài chính, nhân sự tư vấn, nhân sự xét xử và giải quyết tranh chấp.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, do Việt Nam thành lập trung tâm tài chính quốc tế đi sau các nước nên yếu tố quan trọng là phải chắc chắn, các gì chắc thì mới làm, đồng thời cần quan tâm tới thị trường và các vấn đề có thể nảy sinh... để có sự đổi mới trong hoạt động khi thành lập trung tâm tài chính quốc tế.
Vấn đề quan trọng hiện nay, theo ông Thịnh, phải có nguồn nhân lực với số lượng lớn để đáp ứng được yêu cầu. Đây là cái khó vì không phải tự nhiên có được, bởi phải còn gắn với đào tạo dựa trên cơ sở hình thành mới có thể phát triển. “Nguồn nhân lực phải biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp… chưa kể phải có đủ năng lực, khả năng kiến thức hiểu biết về vấn đề tài chính quốc tế thì mới có thể quản lý và vận hành” – ông Thịnh nói.
Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, vừa qua giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện 2 thành phố đã tập trung chuẩn bị công việc để xây dựng, phát triển và vận hành trung tâm tài chính như bố trí nguồn nhân lực, xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao, đội ngũ quản lý, cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng, xúc tiến đầu tư, tiếp xúc các nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng.