Cảnh báo, phòng ngừa sớm sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết (SXH) đang vào mùa, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Nhiều trẻ em và người lớn nhập viện trong tình trạng nặng, sốc SXH, đã có ca tử vong.
Theo thống kê tại TPHCM, tổng số ca SXH tích lũy từ đầu năm 2025 đến tuần vừa qua là 9.571 ca mắc bệnh, tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận 108 ca sốc SXH trong 6 tháng đầu năm, tăng gần 100% so với năm 2024.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ghi nhận một trường hợp bệnh nhi 6 tuổi (ở TPHCM), đầu tháng 6 sốt cao, điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt. Sau 3 ngày, bé nôn ra máu, nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc SXH. Một bệnh nhi khác, 12 tuổi (ở Đồng Nai), đau bụng, nôn ói sau 3 ngày mắc bệnh, nhập viện đã tổn thương gan nặng, rơi vào sốc.
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu, mưa trái mùa và tình trạng tích trữ nước do hạn hán đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn – véc-tơ truyền bệnh sinh sôi mạnh.
PGS.TS.BS Phạm Quang Thái – Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cảnh báo: “SXH hiện không còn là bệnh của riêng vùng nhiệt đới hay mùa mưa. Ngay cả các đô thị miền núi cũng đang có ca mắc. Điều này cho thấy nguy cơ dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào”.
Trong khi đó, ThS.BS Võ Hải Sơn – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế) nhận định: “Chu kỳ dịch SXH đang thay đổi. Nếu trước đây là 5 năm thì hiện chỉ còn khoảng 2 năm. Nguy cơ dịch quay lại mạnh mẽ trong năm nay là rất rõ ràng”.
BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa (Hệ thống tiêm chủng VNVC) cho biết: “SXH có thể âm thầm trở nặng nếu chủ quan không theo dõi sát, gây khó khăn khi điều trị”. Từ 1 - 4 ngày đầu, người bệnh biểu hiện sốt, mệt mỏi, chưa có triệu chứng lâm sàng rầm rộ và thường hết sốt vào ngày 3 – 7. Song đây là thời gian bệnh bước sang giai đoạn nguy hiểm, virus làm tăng tính thẩm thấu của thành mạch, làm suy giảm nhanh chóng số lượng tiểu cầu, trong khi lượng hồng cầu trong máu tăng. Lúc này người bệnh xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu lợi, chân răng, nôn ra máu… cần được kiểm soát chặt chẽ để được ứng phó kịp thời với các biến chứng.
BS Chính khuyến cáo, giai đoạn này bệnh có thể tiến triển rất nhanh, nhưng nhiều người người cho rằng, hết sốt là hết bệnh nên chủ quan, dẫn đến bỏ qua “thời gian vàng” điều trị. Nếu không cấp cứu kịp dẫn đến lượng máu trong cơ thể giảm, máu trong mạch cô đặc hơn, làm tăng nguy cơ đông máu, tắc nghẽn. Khi cơ thể không đủ máu để cung cấp oxy và dưỡng chất đến các cơ quan, gây ra sốc SXH, tràn dịch màng phổi, suy đa cơ quan, tăng nguy cơ tử vong.
Ngoài ra, SXH hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bác sĩ cần dựa vào triệu chứng, kết quả xét nghiệm của trẻ để chỉ định loại thuốc và liều lượng phù hợp. Một số loại thuốc hạ sốt thông thường như aspirin, ibuprofen có thể gây xuất huyết nặng, nguy cơ tử vong, không được khuyến cáo sử dụng. Nước ta từng ghi nhận trường hợp nữ bệnh nhân 20 tuổi, ở Hà Nội mắc SXH tự mua thuốc uống và truyền dịch dẫn đến nhập viện điều trị muộn, tử vong sau 6 ngày mắc, dù được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tích cực điều trị, vào tháng 9/2023.
Do đó, BS Chính khuyến cáo người dân cần hiểu đúng về bệnh SXH, cho con khám tại cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột, mệt mỏi. Việc này sẽ giúp bệnh được phát hiện sớm, điều trị đúng và tăng khả năng hồi phục.