An sinh xã hội

Sau sáp nhập, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk: Khẳng định vai trò trong diện mạo mới

Thanh Nga 03/07/2025 09:30

Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn, đầu tháng 7/2025, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Phú Yên chính thức sáp nhập vào Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk. Việc hợp nhất hai chi nhánh không chỉ là sự kiện mang tính tổ chức hành chính, mà còn đánh dấu bước chuyển mình quan trọng, khẳng định vai trò ngày càng rõ nét của NHCSXH trong vai trò là “ngân hàng vì người nghèo và đối tượng chính sách khác” – một công cụ tài chính thiết yếu của Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững.

Bước chuyển chiến lược trong hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội

Từ khi thành lập đến nay, NHCSXH luôn là điểm tựa vững chắc cho hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách được tiếp cận tín dụng ưu đãi phục vụ sản xuất, chăn nuôi, học tập và cải thiện cuộc sống. Đặc biệt tại các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa như Đắk Lắk và Phú Yên, các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần tạo sinh kế bền vững, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển nông thôn mới.

Việc sáp nhập các đơn vị NHCSXH được triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tinh giản bộ máy, tối ưu nguồn lực, đồng thời tăng cường năng lực phục vụ. Đầu tháng 7/2025, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên chính thức hợp nhất vào chi nhánh tỉnh Đắk Lắk. Việc sáp nhập này không làm giảm đi phạm vi hoạt động, mà ngược lại, mở rộng thêm cơ hội cho ngân hàng tiếp cận, hỗ trợ các địa bàn khác nhau bằng mô hình quản trị hiệu quả hơn.

gen-n-z6766768422183_5cc799082606c5d6d6c70755926d1dbd.jpg
Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Ảnh: Thanh Nga.

Ổn định tổ chức, giữ vững hoạt động, không để gián đoạn phục vụ người dân

Ông Đào Thái Hòa - Giám đốc NHSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho biết: Ngay sau sáp nhập, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ổn định tổ chức, sắp xếp bộ máy nhân sự hợp lý, bảo đảm hoạt động xuyên suốt trên toàn địa bàn mới gồm 102 xã, phường (gồm các huyện thuộc cả hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk cũ). Tất cả các hoạt động tiếp tục hoạt động bình thường, thực hiện đầy đủ chức năng nghiệp vụ, đảm bảo quyền lợi cho người vay vốn không bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, chi nhánh đã tổ chức rà soát tổng thể dư nợ, chất lượng tín dụng, cơ cấu khách hàng và hiệu quả sử dụng vốn tại cả hai tỉnh. Với tổng dư nợ sau sáp nhập đạt gần 13,7 ngàn tỷ đồng, phục vụ hơn 255 ngàn hộ vay, trong đó trên 30% là đồng bào dân tộc thiểu số, chi nhánh đã nhanh chóng triển khai các kế hoạch điều phối vốn, tái phân bổ chỉ tiêu phù hợp với nhu cầu từng địa bàn.

Công tác quản trị nội bộ, chuyển đổi dữ liệu, tích hợp hệ thống giao dịch điện tử và quản lý rủi ro cũng được thực hiện đồng bộ và bài bản. Chính nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quá trình sáp nhập diễn ra thuận lợi, không xảy ra tình trạng gián đoạn dịch vụ, giúp người dân an tâm tiếp tục tiếp cận vốn tín dụng chính sách.

Tiếp tục khẳng định vai trò “ngân hàng vì người nghèo”

Trong diện mạo mới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đặt trọng tâm vào sứ mệnh hỗ trợ người nghèo và đối tượng yếu thế – điều đã trở thành bản sắc của hệ thống NHCSXH từ ngày đầu thành lập.

6 tháng đầu năm 2025, dù trải qua thời gian chuyển giao, chi nhánh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ấn tượng (gần 7%), với doanh số cho vay đạt trên 3 ngàn tỷ đồng cho các chương trình như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, nhà ở xã hội, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ tạo việc làm… Trong đó, nhiều mô hình vay vốn ở các huyện miền núi (cũ) như Ea Súp (Đắk Lắk) hay huyện Đông Hoà (Phú Yên) đã cho thấy hiệu quả thực tiễn rõ rệt khi giúp bà con phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư cơ sở hạ tầng nhỏ phục vụ sinh hoạt.

Đặc biệt, chi nhánh chú trọng đến công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh trong quản lý vốn ủy thác. Thông qua mạng lưới gần 6.300 tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở, hoạt động tín dụng chính sách được đưa về tận thôn, buôn… – nơi mà hệ thống ngân hàng thương mại chưa vươn tới được.

Bên cạnh đó, trong nửa cuối năm 2025, Chi nhánh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng chính sách một cách kịp thời, hiệu quả, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động. Đây là những chương trình hướng tới mục tiêu kép: vừa giảm nghèo, vừa phát triển bền vững.

ảnh 2.
Đoàn công tác của NHCSXH Việt Nam và Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk khảo sát tình hình thực tế tại điểm giao dịch xã trước khi sáp nhập. Ảnh: Thanh Nga.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục

Hướng tới mục tiêu phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk cũng chủ động triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động giao dịch và quản trị.

Một số xã điểm đã bắt đầu thí điểm ứng dụng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong thu nợ, gửi tiết kiệm. Hệ thống nhắn tin tự động thông báo kỳ hạn trả nợ, tra cứu thông tin dư nợ qua điện thoại thông minh giúp bà con dễ dàng kiểm soát các khoản vay của mình.

Song song đó, chi nhánh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tín dụng, thủ tục hành chính, đa dạng hoá sản phẩm, theo hướng minh bạch, nhanh gọn. Thời gian thẩm định hồ sơ và giải ngân được rút ngắn tối đa, cán bộ tín dụng xuống tận địa bàn hướng dẫn, hỗ trợ bà con làm hồ sơ vay vốn đúng quy định, không gây phiền hà cho người dân.

Thách thức phía trước và định hướng phát triển

Ông Đào Thái Hòa - Giám đốc NHSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm: Tuy nhiên, chi nhánh cũng đối diện với không ít thách thức trong giai đoạn mới. Diện tích địa bàn rộng, địa hình phức tạp, một số xã vùng sâu vẫn còn hạn chế về hạ tầng thông tin – truyền thông gây khó khăn cho việc triển khai các giải pháp số hóa. Mặt khác, trình độ dân trí không đồng đều, một bộ phận người dân chưa quen với phương thức vay – trả văn minh, minh bạch cũng tạo áp lực cho công tác quản lý vốn.

Để vượt qua khó khăn, trong định hướng chiến lược 6 tháng cuối năm và xa hơn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk xác định tiếp tục củng cố mạng lưới hoạt động tại cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ. Công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ được nâng lên tầm sâu sắc hơn, phát huy vai trò chỉ đạo của hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, giám sát và hỗ trợ vốn tín dụng chính sách.

ảnh 3.
Cán bộ Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn cho người dân các giao dịch trên điện thoại thông minh. Ảnh: Thanh Nga.

Tự tin trên hành trình mới

Sau sáp nhập, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đang dần định hình một diện mạo mới: chuyên nghiệp hơn, linh hoạt hơn và gần dân hơn. Dù còn nhiều việc phải làm, nhưng với nền tảng vững chắc, sự đồng thuận của chính quyền và người dân hai tỉnh, cùng đội ngũ cán bộ tận tâm, bản lĩnh “thấu hiểu lòng dân -tận tâm phục vụ”, Chi nhánh hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào thành công trên hành trình thực hiện sứ mệnh cao cả của một “ngân hàng vì người nghèo”./.

Thanh Nga