Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Cẩn thận với “nước đá sạch”

Minh Quang 05/07/2025 08:00

Mới đây, nhóm phóng viên VTV đã ghi được những hình ảnh cận cảnh về quy trình sản xuất nước đá có dấu hiệu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số cơ sở sản xuất nước đá không phép, thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đáng lưu tâm, vấn nạn nước đá gắn mác “sạch” - nhưng thực chất không hề sạch là câu chuyện không riêng ở địa phương nào, hơn thế còn là mối lo từ năm này sang năm khác mà chưa có hồi kết.

Sự xuất hiện của các quán cà phê, trà sữa, giải khát, trà đá và các loại hình quán nước ngày càng đa dạng đã kéo theo nhu cầu về đá viên cũng tăng nhanh chóng theo nhu cầu. Đặc biệt, vào những ngày hè nắng nóng thì đá viên luôn trong tình trạng "cháy hàng". Vì lẽ đó, kinh doanh đá viên đang được coi là ngành tiềm năng, mang lại lợi nhuận cao.

Theo yêu cầu, quy trình sản xuất đá tinh khiết đạt tiêu chuẩn thì nguồn nước lấy từ độ sâu 90m, được xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím. Các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, bồn cấp nước làm đá, cối lạnh… của hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều bằng inox, không bị gỉ sét theo thời gian. Chu trình sản xuất nước đá khép kín hoàn toàn tự động, không có sự tiếp xúc trực tiếp với bàn tay con người, chỉ như vậy nước đá viên tinh khiết mới đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Điều đáng nói, hầu như các sản phẩm đá viên đều gắn mác “đá sạch”, nhưng trên thực tế quy trình sản xuất đá viên sạch ở các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh. Không ít cơ sở sản xuất vẫn tồn tại tình trạng người lao động cởi trần, mặc quần đùi, móng tay cáu bẩn,... tham gia quá trình sản xuất và đóng gói sản phẩm. Nếu một trong những người này mắc các bệnh truyền nhiễm, mang sẵn vi khuẩn thì toàn bộ sản phẩm sản xuất ra sẽ tiềm ẩn những mầm bệnh thật khó lường.

Các xét nghiệm đã chỉ ra rằng, nước đá bẩn dễ nhiễm vi khuẩn E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số gây suy thận, nhiễm khuẩn đường huyết. Riêng vi sinh Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) có trong nước đá bẩn nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... còn gây tử vong. Hơn nữa sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (như thủy ngân, chì, asen, kẽm...) là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất trong nước đá viên có khả năng gây ung thư cho người dùng. Đối với đá nhiễm khuẩn thì trong quá trình làm đông, một số vi khuẩn chỉ bị ngưng hoạt động nên khi ăn vào vi khuẩn sẽ hoạt động trở lại.

Bằng cảm quan, mắt thường, những viên đá "tinh khiết" trong vắt, không tỳ vết như viên pha lê, nhưng ai có thể biết trong mỗi viên đá, có thể tiềm ẩn hàng triệu vi khuẩn? Chính vì vậy, theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, người tiêu dùng phải phân biệt được đâu là đá sạch dùng để bảo quản thực phẩm và đá sạch dùng uống trực tiếp để phòng tránh những mầm mống bệnh tật từ nguồn nước bị ô nhiễm.

Lĩnh vực sản xuất nước đá dùng liền là loại hình kinh doanh có điều kiện. Chỉ những cơ sở đã được thẩm định cấp phép mới được phép hoạt động. Cơ sở không được cấp phép hoạt động mà vẫn ngang nhiên sản xuất tức là hành vi vi phạm pháp luật. Việc để tình trạng đá viên bẩn kéo dài đã cho thấy có lỗ hổng không nhỏ trong quản lý, giám sát an toàn thực phẩm bấy lâu. Viên đá nhỏ, nhưng hệ lụy với sức khỏe con người là vô cùng lớn và lâu dài. Vì vậy, cùng với quyết tâm tuyên chiến với thực phẩm bẩn, đã đến lúc cần siết kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất nước đá viên, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và cộng đồng.

Minh Quang