Du lịch

Du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Động lực phát triển trong kỷ nguyên mới - Bài 1: Khi giấc mơ đi qua

Quốc Trung 06/07/2025 11:27

Từng được kỳ vọng sẽ trở thành “ngôi sao du lịch phương Nam” của Việt Nam, nhưng trải qua hơn một thập niên, du lịch vùng ĐBSCL vẫn là một “giấc mơ” còn dang dở. Bức tranh du lịch nơi đây vẫn rời rạc, thiếu sự chắp nối mang tính chiến lược và tầm nhìn chung cho cả vùng. Những bất cập này đang làm cho tiềm năng bị bỏ ngỏ, giá trị chưa được khai thác xứng tầm... Tài nguyên phong phú nhưng chưa được đánh thức đúng cách khiến ĐBSCL bị tụt lại phía sau trong cuộc đua phát triển du lịch quốc gia...

ảnh 2 trang 67
Du lịch tâm linh là thế mạnh ở vùng ĐBSCL với các dân tộc Kinh-Hoa-Khmer-Chăm sống đan xen tạo bức tranh văn hóa đa sắc màu. Trong ảnh: Miếu Bà Chúa Xứ ở An Giang thu hút rất nhiều khách du lịch đến thăm viếng.

Nhiều tiềm năng nhưng thiếu sản phẩm du lịch độc đáo

Trải qua một thời gian dài, các điểm du lịch địa phương vẫn đang cố gắng tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, đặc biệt, nhưng hầu hết du khách đến với vùng ĐBSCL vẫn với tâm lý đi du lịch miền Tây để được ngồi xuồng thăm chợ nổi, nghe đờn ca, thăm vườn trái cây, ăn cá lóc nướng... Đây cũng là những trải nghiệm có sức hút nhất định với khách quốc tế. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, các sản phẩm du lịch này vẫn lặp đi lặp lại, chưa có gì mới, các tour tuyến na ná nhau, đi một tỉnh là biết hầu hết các tỉnh khác.

box trang 7

TS Trần Hữu Hiệp cho rằng: “Du lịch ĐBSCL đang đứng trên "đôi chân 3 điểm yếu" là hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch yếu kém và thiếu một cơ chế điều phối liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch hiệu quả, nên không gian du lịch vùng, liên kết với TPHCM bị ngắt khúc. Dù được thảo luận và triển khai nhiều hoạt động liên kết, nhưng thực tế vẫn chưa có một ‘cơ chế pháp lý’ rõ ràng và "một mô hình chỉ đạo, điều phối" liên kết vùng ĐBSCL và TPHCM để phát triển du lịch thật sự hiệu quả.”

Ngoài ra, ở ĐBSCL vẫn nặng du lịch nội địa, thời gian lưu trú ngắn, mức chi tiêu tương đối thấp. Theo số liệu trước đó từ Tổng cục Du lịch, trung bình mỗi khách du lịch đến ĐBSCL chỉ lưu trú 1,5 ngày và chi tiêu chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người/lần.

Trong khi đó, không cần so sánh đâu xa, các điểm đến du lịch ở trong nước như Sa Pa, Hội An, Đà Lạt... đã từng bước vươn lên thành biểu tượng du lịch quốc gia nhờ việc biết tổ chức tour tuyến, các sản phẩm đặc thù thay đổi liên tục, đánh trúng thị hiếu khách hàng và tạo được trải nghiệm giữ chân du khách lâu nhất có thể.

Phải nhìn nhận một cách khách quan, ĐBSCL không thiếu tiềm năng du lịch: sông ngòi chằng chịt, đa dạng các làng nghề truyền thống, văn hóa người Kinh, Hoa, Khmer, Chăm đan xen đặc sắc, ẩm thực phong phú bậc nhất, đồng thời sở hữu nhiều khu du lịch sinh thái tự nhiên từng được các tổ chức du lịch nước ngoài đánh giá là quyến rũ bậc nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của vùng lại phát triển một cách rời rạc, thiếu câu chuyện chung và không có sự dẫn dắt mang tính vùng. Thời gian qua, các địa phương cũng có nhiều hình thức để khai thác, thu hút du khách nhưng thiếu đồng bộ, dẫn đến việc càng làm càng giống nhau, thiếu tính lắp ghép và bổ sung trải nghiệm cho nhau.

Anh Bùi Xuân Văn, du khách ở tỉnh Thanh Hóa sau khi tham khảo nhiều thông tin trên mạng đã quyết định đưa các cháu và người thân vào miền Tây dịp nghỉ hè để tham quan. Dự định ban đầu gia đình anh sẽ đi chơi một tuần cho hết miền Tây, tuy nhiên đi được 3 ngày, anh Văn cho biết cơ bản đã ăn và chơi hết: “Ghé Cần Thơ một ngày anh di chuyển xuống Cà Mau rồi ngược về An Giang, ghé qua Đồng Tháp cơ bản nắm hết miền Tây, ăn được đầy đủ đặc sản như trái cây, lẩu mắm, bánh dân gian… đều nếm cả nên chắc chỉ cần đi 3 ngày, thời gian còn lại cho các cháu lên Đà Lạt chơi thay đổi không khí.”

ảnh 5 trang 67
Gia đình anh Văn và du khách trải nghiệm để cho cá mát xa chân tại bè cá Bảy Bong. “

Anh Văn nhớ lại: “Tôi khá ấn tượng với mô hình chuỗi các điểm đến Cồn Sơn ở TP Cần Thơ như ghé bè cá Bảy Bong, rồi lên vườn trái cây, ghé nhà dân ăn bánh dân gian, thưởng thức cốm nổ. Đặc biệt ăn trưa tại đây, khi gọi món sẽ có rất nhiều nhà dân tham gia làm, trên bàn ăn có bao nhiêu món thì có bấy nhiêu gia đình làm, kiểu du lịch cộng đồng này rất thích, chúng tôi rất thích trải nghiệm kiểu này.”

Chưa có “bàn tay nhà quy hoạch vùng”

Trong nhiều cuộc tọa đàm về phát triển du lịch vùng ĐBSCL, các chuyên gia cho rằng du lịch muốn nhiều người biết đến cần có người “kể chuyện”. Miền Tây không thiếu truyện hay, nhưng ai sẽ là người dịch ra ngôn ngữ hình ảnh thực tế để du khách trải nghiệm là một câu chuyện cực kỳ quan trọng… Đây cũng là thực tế đang kìm hãm bức tranh du lịch ĐBSCL hiện nay. Đến nay, ĐBSCL vẫn chưa có một tầm nhìn cho cả vùng, đã có nhiều chuyên gia, địa phương mong muốn có một trung tâm dẫn dắt chiến lược du lịch cho cả vùng và một đội ngũ nhà quy hoạch đầy nhiệt huyết. Chưa làm được điều này, vùng ĐBSCL sẽ còn loay hoay dài trong chính giấc mơ của mình.

TS Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phân tích, các liên kết vừa qua mới dừng lại giữa chính quyền với chính quyền, thông qua ký kết các chương trình hợp tác, dựa vào “mối quan hệ tốt đẹp” giữa các địa phương với nhau, nên hiệu quả chưa cao.

TS Trần Hữu Hiệp kiến nghị, ngoài liên kết giữa chính quyền với nhau, cần hướng đến trọng tâm là liên kết thị trường, doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm du lịch, cơ quan truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch theo hướng phát triển các “chuỗi giá trị ngành du lịch” và “sản phẩm du lịch đặc thù”. Trên cơ sở đó, có phân công, phân vai trong liên kết, phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế, chia sẻ lợi ích, phát triển bền vững. Điều không thể thiếu là địa phương nào sẽ giữ vai trò điều phối, dẫn dắt, chứ không thể mạnh ai nấy làm, lôi kéo khách của nhau, đua nhau hạ giá…

Với tư cách là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, TS Trần Hữu Hiệp cho biết, mặc dù các địa phương trong vùng ĐBSCL đã ký kết với nhau và cùng với TPHCM thực hiện nhiều chương trình hợp tác du lịch, tuy nhiên vẫn cần rất nhiều hoạt động phối hợp giữa Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và Hiệp hội Du lịch TPHCM với sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư, phát triển du lịch vùng và nêu bật vai trò quan trọng của TPHCM.

Sau sáp nhập vùng ĐBSCL từ 13 tỉnh, thành, nếu đưa Tây Ninh về thì vùng còn 6 tỉnh, thành (TP Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tây Ninh), đây là thuận lợi rất lớn để các địa phương định hình lại, từ các thế mạnh quy hoạch và phát triển du lịch phát huy các thế mạnh hiện có, nâng tầm các địa điểm thu hút du khách.

Dám chọn - dám bỏ - dám chuyên sâu

Hơn 10 năm qua, bức tranh du lịch ĐBSCL vẫn loanh quanh trong câu chuyện cũ: mạnh ai nấy làm. Tỉnh nào cũng muốn ôm trọn du lịch biển, sinh thái, văn hóa – tạo nên một “mê trận” trùng lặp sản phẩm, rời rạc chuỗi giá trị. Các homestay giống nhau đến khó phân biệt; các tour miệt vườn lặp lại cùng mô hình; và hiếm có sản phẩm nào đủ khác biệt để giữ chân du khách dài ngày.

Ảnh 4
Những năm gần đây Cà Mau đang tập trung phát triển du lịch trải nghiệm với các tour, tuyến gắn với đặc thù sông nước, rừng đước rất riêng ở nơi đây. Trong ảnh: Du khách thích thú chụp ảnh cùng biểu tượng cua Cà Mau ở khu vực Mũi Cà Mau.

Trong một hội thảo về liên kết phát triển du lịch vùng PGS.TS Trần Đình Thiên đã thẳng thắn cho biết: “Liên kết vùng không phải là khẩu hiệu, mà là sự lựa chọn sinh tồn của ĐBSCL trong cuộc cạnh tranh du lịch ngày càng khốc liệt.”

Còn TS Trần Hữu Hiệp ví von: Hệ sinh thái du lịch ĐBSCL giống như một dàn nhạc thiếu nhạc trưởng. Mỗi địa phương chơi một giai điệu riêng, không có người điều phối tổng thể, không tạo ra bản giao hưởng thực thụ.

Chiến lược vùng – theo các chuyên gia quy hoạch – không thể chỉ là danh sách các đề án của từng tỉnh. Đó phải là một bản thiết kế tích hợp giá trị vùng, có sự phân vai, phối hợp, dám chọn – dám bỏ – dám chuyên sâu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, đã đến lúc cần thiết lập một trung tâm điều phối có thực quyền, ví dụ Trung tâm Xúc tiến Du lịch ĐBSCL – hoạt động như một “ban quản lý vùng đặc biệt”, thay vì để mỗi tỉnh duy trì quy trình riêng, chính sách riêng. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, sự chậm trễ trong tổ chức liên kết sẽ khiến vùng tiếp tục tụt hậu.

Không gian phát triển du lịch ĐBSCL cần mở rộng theo hướng trải nghiệm vùng. Ví dụ: mô hình tour miệt vườn – nông nghiệp thông minh có thể khai thác mạnh tour đặc sản như đi xuồng máy xuyên kênh rạch, nghỉ homestay nhà vườn, trải nghiệm mùa trái cây, bắt cá, đạp xe qua cầu khỉ. Những tour này nếu được tổ chức bài bản, tích hợp với số hóa và giáo dục xanh, sẽ trở thành sản phẩm hấp dẫn cho khách quốc tế và du lịch học đường.

Ở Đồng Tháp, Tràm Chim đã trở thành điểm sáng những năm gần đây. Thống kê của địa phương này cho thấy, trong năm 2024, lượng khách đến khu vực tăng hơn một phần ba so với năm trước – một chỉ dấu rõ nét rằng du lịch “chữa lành” đang là xu thế. Những trải nghiệm thiên nhiên hoang dã như ngắm sếu đầu đỏ, chèo xuồng giữa rừng tràm, nghe chim hót trong sương sớm không còn là đặc sản vùng – mà đang trở thành nhu cầu thiết yếu không chỉ của du khách thành thị.

Ở An Giang, Rừng tràm Trà Sư cũng nổi lên như điểm đến sinh thái tiêu biểu phía Tây Nam. Hình ảnh rừng tràm trải dài trên thảm bèo xanh, gắn với văn hóa Khmer và lễ hội tôn giáo, đang tạo nên một bản sắc riêng không thể thay thế.

Cần Thơ, An Giang, Cà Mau... đang có thế mạnh lớn về du lịch lễ hội – tâm linh. Các sự kiện như Lễ hội Ok Om Bok, Nghinh Ông, mùa hành hương Bà Chúa Xứ... nếu được tổ chức theo cụm tour mùa vụ, liên kết truyền thông, sẽ tăng độ lan tỏa, kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu du lịch.

Biển đảo – đòn bẩy đưa ĐBSCL ra thế giới

An Giang có Phú Quốc, Hà Tiên, Nam Du và hàng chục hòn đảo khác, đang giữ lợi thế đặc biệt về biển đảo. Trong năm qua, gần 80% lượng khách quốc tế đến ĐBSCL đã chọn Phú Quốc – con số không hề nhỏ và là một dấu hiệu cho thấy vai trò cửa ngõ quốc tế của vùng này. Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: “Nếu coi Phú Quốc là thương hiệu đầu tàu, thì vùng đất liền cần là bệ đỡ, nơi tạo chuỗi trải nghiệm đa dạng, từ đồng bằng đến biển khơi, từ văn hóa đến sinh thái”. Du lịch biển đảo cao cấp cũng là thế mạnh của vùng như Phú Quốc – Hà Tiên – Nam Du và quần đảo nhỏ ở An Giang.

Anh Đặng Hoàng Anh ở TP Cần Thơ đã nhiều lần đi tham quan cùng gia đình các đảo ở Kiên Giang nay là An Giang như Hòn Nghệ, Hòn Sơn, đảo Nam Du. Mặc dù đi nhiều lần, nhưng gia đình anh rất thích đi lại vì ở các điểm đảo có các dịch vụ thú vị như tắm biển, lặn ngắm san hô, săn bắt cá, câu cá, câu mực… Loại hình du lịch trải nghiệm đang được du khách như gia đình anh Hoàng Anh và nhiều người rất ưa chuộng. Bên cạnh đó, mô hình du lịch MICE, giáo dục và sức khỏe cũng là một thế mạnh mà TP Cần Thơ đang hướng tới. Với hạ tầng tốt, trung tâm hội nghị hiện đại, khách sạn chuẩn quốc tế và sự chuẩn bị chiến lược, Cần Thơ hoàn toàn có thể trở thành trung tâm MICE của toàn vùng.

Từ các dẫn chứng trên cho thấy, sự khác biệt không nằm ở tiềm năng, mà ở cách tổ chức không gian và tư duy sản phẩm. Vùng cần tổ chức lại theo tư duy cụm vùng – sản phẩm đặc thù – chuỗi giá trị. Lãnh đạo địa phương, những người đầu ngành du lịch cần mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám dẫn dắt; các địa phương cần hy sinh một phần để cùng phát triển lớn hơn; trong khi tiếng nói của chuyên gia, doanh nghiệp, cộng đồng mà được lắng nghe và phối hợp thì ĐBSCL sẽ sớm bật lên thành một điểm đến đẳng cấp, bền vững và xứng tầm quốc tế.

(Còn nữa)

Quốc Trung