Văn hóa

Sôi động sân khấu nhạc kịch

Hồng Gấm 06/07/2025 11:43

Chưa bao giờ khán giả Việt Nam lại có cơ hội tiếp cận và thưởng thức nhiều tác phẩm nhạc kịch như hiện nay. Điểm đặc biệt là bên cạnh sự xuất hiện của những vở diễn đậm chất cổ điển phương Tây, không ít vở nhạc kịch do người Việt sáng tác, kể câu chuyện về người Việt cũng đang được nhiều đơn vị nghệ thuật đầu tư dàn dựng đã và đang khẳng định thương hiệu…

bai chinh
Vở nhạc kịch “Lửa từ đất” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Liên tục các vở diễn mới

Những năm gần đây, sân khấu Việt Nam nở rộ các vở nhạc kịch. Ngoài các vở diễn kinh điển thế giới như “Kẹp hạt dẻ”, “Hồ thiên nga”, “Nhà thờ Đức Bà Paris”, “Cuộc sống Paris”, “Cô bé bán diêm”, “Những người khốn khổ”, “Góc phố danh vọng”… nhiều vở diễn mang đậm phong cách, văn hóa Việt cũng đã xuất hiện, khẳng định sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ nghệ sĩ.

Trong đó, có thể kể đến những vở nhạc kịch như “Chuyện tình nàng Giáng Hương”, “Tấm Cám”, “Trại hoa vàng”, “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Hà Nội xưa và nay”, “Sóng”, “Giấc mơ Chí Phèo” và gần đây là “Lửa từ đất”, “Người cầm lái”…

Mới đây, khán giả đến Nhà hát Hồ Gươm có dịp thưởng thức tác phẩm đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vở nhạc kịch “Người cầm lái”. Đây là tác phẩm do Nhà hát Công an nhân dân (nay là Nhà hát Kịch Công an nhân dân và Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân) đầu tư thực hiện, ra mắt khán giả lần đầu vào năm 2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Được biểu diễn trở lại sau 2 năm, nhạc kịch “Người cầm lái” khai thác tốt hơn thế mạnh của công nghệ hiện đại. Sân khấu lộng lẫy, những hình ảnh mang tính biểu tượng của nhiều quốc gia, của văn hóa Việt được chọn lọc kỹ, chuyển tải sinh động, lôi cuốn và hấp dẫn.

Dài khoảng 120 phút, vở nhạc kịch “Người cầm lái” không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của một nhà hát thuộc lực lượng vũ trang mà thỏa mãn người xem về mặt nghệ thuật, níu giữ khán giả đến phút chót. Khán giả khóc, cười cùng các nhân vật, hiểu hơn về quê hương đất nước qua nhiều giai đoạn khác nhau. Nhưng trên hết và đọng lại cuối cùng vẫn là niềm biết ơn vô hạn với vị Cha già của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng đạo diễn kiêm tác giả kịch bản, biên đạo múa Tuyết Minh cho hay, “Người cầm lái” là thành quả sáng tạo trong một thời gian khá dài với rất nhiều trăn trở. Từ âm nhạc cho đến câu chuyện, lời hát, ca khúc đều mới, dành riêng cho câu chuyện về Bác Hồ. Nữ nghệ sĩ đã dày công nghiên cứu, cô đọng từ những câu văn dài, thành những câu thơ có vần điệu, vừa có tính kịch cho tác phẩm này.

Trước đó, ra mắt vào tháng 12/2024, nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo” đã gây tiếng vang lớn với khán giả, giới chuyên môn và truyền thông trong nước. Đây là vở nhạc kịch chuẩn broadway quốc tế, được cảm tác từ tác phẩm văn học “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, “Giấc mơ Chí Phèo” đã trở thành hiện tượng văn hóa nổi bật, vươn tới thương hiệu nhạc kịch Việt Nam mang tầm vóc quốc tế.

Tái ngộ khán giả Thủ đô trong hai đêm 6 và 7/6/2025, “Giấc mơ Chí Phèo” sáng tạo thêm nhiều chi tiết mới, cùng với nâng cấp hơn về âm thanh, ánh sáng, nhằm nâng cao trải nghiệm cảm xúc cho khán giả.

Trong dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, Nhà hát Tuổi trẻ cũng giới thiệu đến khán giả yêu nghệ thuật vở nhạc kịch “Không gia đình”, chuyển thể từ kiệt tác văn học cùng tên của nhà văn Pháp Hector Malot - một tác phẩm đã làm say lòng hàng triệu độc giả trên toàn thế giới suốt hơn một thế kỷ qua.

Điểm nhấn độc đáo của “Không gia đình” chính là phần âm nhạc được làm mới đầy sáng tạo từ những tác phẩm cổ điển, mang hơi thở hiện đại, gần gũi nhưng vẫn giữ nguyên chiều sâu cảm xúc. Ca từ tiếng Việt được chau chuốt và thể hiện qua phần trình bày ấn tượng của dàn diễn viên, những nghệ sĩ trẻ tài năng vừa diễn xuất, ca hát, vừa thể hiện vũ đạo một cách điêu luyện.

Trước đó, dịp tháng 3/2025, Nhà hát Tuổi trẻ (đạo diễn Cao Ngọc Ánh) đã dàn dựng vở nhạc kịch “Lửa từ đất” về hình tượng nhân vật anh hùng Nguyễn Ngọc Vũ - Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Hà Nội. Tác phẩm được xây dựng bằng hình thức nhạc kịch hiện đại, kết hợp giữa âm nhạc, vũ đạo và diễn xuất nên cuốn hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

bai chinh 2
Vở nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo". Ảnh: M.H.

Khẳng định thương hiệu nhạc kịch Việt

NSND Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhận định, thể loại nhạc kịch đang được nhiều đơn vị nghệ thuật nỗ lực dàn dựng, biểu diễn và ngày càng chuyên nghiệp. Không chỉ dàn dựng những tác phẩm của thế giới, nhiều đơn vị đã mạnh dạn khai thác đề tài cách mạng, đề tài hiện thực phê phán trong kho tàng văn học cách mạng Việt Nam…

Mặc dù được xác định là xu hướng chung nhưng nhiều đơn vị nghệ thuật, người làm nhạc kịch đều cho rằng, việc đầu tư thực hiện các vở nhạc kịch hướng đến bản sắc Việt, kể câu chuyện của người Việt cho người Việt đòi hỏi nhiều yếu tố. Trong đó, bài toán kinh phí cho các dự án nghệ thuật này vẫn là câu chuyện muôn thuở.

NSND Trần Ly Ly chia sẻ, khi bắt tay thực hiện vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, chị cũng chuẩn bị tâm thế có thể phải bán nhà để bù đắp vào những chi phí quá lớn.

Ngoài kinh phí, nghệ sĩ biểu diễn cũng là một thách thức không nhỏ đối với các nhà hát khi đầu tư cho nhạc kịch. Diễn viên nhạc kịch phải là những người đa năng và hội tụ nhiều kỹ năng như: ca hát, diễn xuất, vũ đạo trong khi Việt Nam không có nhiều cơ sở chuyên ngành đào tạo diễn viên nhạc kịch. Đa số là những ca sĩ, diễn viên vì đam mê nhạc kịch nên tham gia vào các vở diễn.

Ngoài ra, nếu tham gia một vở nhạc kịch nước ngoài, diễn viên còn phải có khả năng ngoại ngữ tốt để hát. Ðó là thực tế mà khi dựng nhạc kịch nhiều đạo diễn không thể tìm được đủ diễn viên cho vở diễn của mình.

NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, những vở nhạc kịch từng xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước và những năm gần đây được tập trung đầu tư nhiều hơn. Trong đó, các vở nhạc kịch thuần Việt vẫn đang là mục tiêu hướng tới của Nhà hát.

“Nhà hát Tuổi trẻ vẫn giữ vững niềm tin, đam mê, nhiệt huyết để hòa mình, hội nhập sâu rộng với dòng chảy văn hóa thế giới. Ngoài các vở diễn đặc sắc đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả, gần đây Nhà hát tiếp tục sáng tạo, xây dựng những vở diễn mới mang phong cách nhạc kịch để tiếp cận và phù hợp với xu thế sân khấu hiện nay, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đa dạng của công chúng trong thời kỳ mới” - NSƯT Sĩ Tiến khẳng định.

Từ những nỗ lực của sân khấu nhạc kịch thời gian qua, giấc mơ đưa những tác phẩm nhạc kịch Việt đến với bạn bè quốc tế có lẽ không còn quá xa vời.

Hồng Gấm