Còn nhiều cơ hội để học lớp 10
Kết quả công bố điểm chuẩn lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội vừa qua cho thấy có trường tăng, trường giảm. Nhưng xét trên bình diện chung, ghi nhận xu hướng giảm ở nhiều trường. Điều đáng nói là áp lực kỳ thi vào lớp 10 và độ “chênh” chất lượng đầu vào vẫn là gánh lo với cả thí sinh và gia đình.

Có sự chênh lệch đầu vào
Thống kê cho thấy, năm học 2025- 2026, Hà Nội có 12 trường lấy điểm chuẩn lớp 10 từ 23,75 trở lên, trong đó 4 trường tăng so với năm ngoái, còn lại giảm hoặc giữ nguyên. Những trường lấy điểm chuẩn cao nhất thành phố hầu hết là những cái tên quen thuộc, đã dẫn đầu nhiều năm qua. Với mức điểm chuẩn của Trường THPT Kim Liên và THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông là 25,5/30 điểm (tổng điểm không nhân hệ số 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ), yêu cầu thí sinh cần phải đạt 8,5 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
Ở chiều ngược lại, 6 trường lấy điểm chuẩn lớp 10 thấp nhất TP Hà Nội gồm: THPT Thọ Xuân, Bắc Lương Sơn, Minh Quang, Ứng Hòa B, Lưu Hoàng và Đại Cường. Học sinh chỉ cần đạt trên 3 điểm mỗi môn là đỗ.
Như vậy, so sánh ngay tại Thủ đô, chênh lệch điểm chuẩn giữa trường cao nhất và thấp nhất lên tới 15,5 điểm - mức giãn cách lớn nhất nhiều năm qua. Trong nhóm 11 trường có điểm chuẩn dưới 13,5 điểm, phần lớn thuộc khu vực ngoại thành. Có tới 28 trường lấy điểm chuẩn dưới mức trung bình (dưới 15 điểm), cho thấy cơ hội vào lớp 10 công lập đã mở rộng, nhưng cũng đặt ra bài toán về sự chênh lệch chất lượng đầu vào giữa các trường.
Trước khi Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã công bố điểm thi, điểm tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025- 2026. Điều đáng nói, ở không ít địa phương, điểm đỗ vào lớp 10 rất thấp. Đơn cử trước đó, Sở GDĐT Lai Châu (cũ) đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh đợt 1 vào lớp 10 năm học 2025-2026. Theo đó, Trường THPT Dào San, huyện Phong Thổ (cũ) là đơn vị trường có số điểm đầu vào thấp nhất là 4,75 điểm gồm 3 môn. Tức dự kiến thí sinh chỉ cần đạt gần 1,6 điểm/môn đã đỗ vào trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh.
Hay mới đây nhất, Sở GDĐT tỉnh Khánh Hoà cũng đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn năm học 2025-2026. Trong đó, Trường như THPT Nguyễn Du chỉ lấy 5 điểm, đồng nghĩa với việc thí sinh chỉ cần đạt hơn 1,6 điểm mỗi môn đã có thể trúng tuyển. Các trường khác như THPT Tôn Đức Thắng, THPT Trần Quý Cáp cũng chỉ lấy 6,75 điểm cho 3 môn thi.
Cánh cửa lớp 10 vẫn rộng
Tại Hà Nội, đã thành thông lệ nhiều thí sinh không đỗ nguyện vọng 1 ở trường mình mong muốn, thường được gia đình tìm hướng “đi vòng” bằng cách chấp nhận học nguyện vọng 2 hoặc nguyện vọng 3 ở những trường ngoại thành. Sau đó tùy thuộc tình hình thực tế mà hết học kỳ 1 hoặc hết năm học lớp 10 xin chuyển về các trường trong nội đô. Như vậy, có thể thấy cánh cửa học lớp 10 công lập hiện vẫn rất rộng với những học sinh không muốn học THPT tư thục hoặc chưa muốn đi học nghề ngay.
Còn đối với những học sinh dù đã hạ điểm mà vẫn không thể vào trường THPT công lập mong muốn, hoặc không có điều kiện đi học quá xa ở ngoại thành, thì năm học 2025-2026, Hà Nội có tới hơn 100 trường THPT tư thục xét tuyển lớp 10 dựa trên kết quả học bạ THCS và kết quả thi vào trường công, với hàng chục ngàn chỉ tiêu.
Dẫu thế, sự phân hóa điểm chuẩn giữa các trường, giữa các khu vực nội- ngoại đô, cùng với những thay đổi về cách tính điểm, chương trình học và cơ cấu chỉ tiêu; cùng sự phân bố của mạng lưới trường công lập khiến kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội vẫn là áp lực lớn với học sinh và gia đình.
Quan sát điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội và các tỉnh thành, chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân cho rằng, việc ôn thi vất vả, tốn kém tiền của, áp lực lên xã hội, rồi cũng chỉ để cần vài điểm để trúng tuyển vào 10. Tại sao không chọn xét tuyển cho hợp lý?
Thực tế, ở mùa tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026, thay vì tổ chức kỳ thi tuyển sinh, cả nước có 4 tỉnh gồm Cà Mau, Gia Lai, Lâm Đồng và Vĩnh Long áp dụng hình thức xét tuyển vào lớp 10. Nhiều học sinh và phụ huynh thở phào khi không phải bước vào kỳ thi căng thẳng, áp lực. Việc không tổ chức thi vào lớp 10 ở 4 địa phương trên đang mở ra hướng tiếp cận mới - giảm áp lực cho học sinh, đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn về công tác xét tuyển, kiểm soát chất lượng và trách nhiệm giải trình của các trường phổ thông.