Giao thông

Kiểm soát khí thải xe máy ở đô thị

LÊ ANH 08/07/2025 08:46

Chính phủ dự kiến ban hành quy chuẩn khí thải xe máy trong tháng 7 và chính thức áp dụng kiểm định bắt đầu từ năm 2027 tại các đô thị lớn. Đây là bước đi đúng đắn trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí đô thị.

Anh bai chính
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt xe máy cũ, xe 3-4 bánh tự chế, xe phát thải gây ô nhiễm môi trường khu vực ngoại thành TPHCM.

Hà Nội và TPHCM là hai đô thị có mật độ xe máy lớn nhất cả nước với tổng cộng hơn 14 triệu phương tiện (Hà Nội có khoảng 6 triệu xe, TPHCM khoảng 8,5 triệu xe), câu chuyện kiểm soát khí thải không còn là cảnh báo môi trường, mà đã chạm đến ngưỡng của khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Theo nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam, ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại kinh tế hàng năm lên đến 12,45 tỷ USD, trong khi Ngân hàng Thế giới ước tính mức thiệt hại tương đương 5 - 7% GDP mỗi năm.

Trên thực tế, việc áp dụng kiểm định khí thải với xe máy không phải là điều mới mẻ. Từ năm 2020, TPHCM đã từng thí điểm kiểm định khí thải miễn phí cho hơn 13.000 xe máy và nhận được sự ủng hộ của người dân. Điều này cho thấy người dân sẵn sàng đồng hành nếu chính sách được truyền thông minh bạch, hỗ trợ hợp lý. Lộ trình kiểm định khí thải mới do Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất chia theo 3 giai đoạn, bắt đầu tại Hà Nội, TPHCM từ ngày 1/7/2027, sau đó mở rộng ra các thành phố trực thuộc Trung ương (từ năm 2028) và toàn quốc (từ năm 2030). Việc phân tầng theo năm sản xuất của xe máy nhằm tạo điều kiện để người dân thích nghi và các cơ sở kiểm định đủ thời gian chuẩn bị.

Tuy chủ trương kiểm định khí thải xe máy nhận được sự đồng thuận, song các cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cả nước mới có 282 trung tâm đăng kiểm, trong khi số lượng xe máy lên tới 74 triệu chiếc. Trong khi đó, năng lực nhân sự, trang thiết bị đo khí thải, phần mềm quản lý dữ liệu và cơ sở pháp lý cụ thể vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Thực tế cho thấy, không thể kiểm soát khí thải bằng một “mệnh lệnh hành chính” nếu thiếu tính toán thực tiễn. Việc thực hiện kiểu “cuốn chiếu” từng đời xe như đề xuất trước đây mất tới 7 - 10 năm, không khả thi trong tình trạng ô nhiễm đang gia tăng. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chọn giải pháp triển khai theo lộ trình thống nhất, đồng bộ toàn quốc.

Theo lộ trình mới, các cơ sở bảo dưỡng xe có thể kiêm nhiệm chức năng kiểm định khí thải. Đây là giải pháp xã hội hóa nhằm giảm tải cho hệ thống đăng kiểm công lập. Với hơn 2.700 cơ sở bảo dưỡng hiện nay, nếu được đào tạo, trang bị và quản lý chặt chẽ, hệ thống xã hội hóa hoàn toàn có thể trở thành cánh tay nối dài của chính sách. Tuy nhiên, để xã hội hóa thực sự hiệu quả, cần khung pháp lý rõ ràng về điều kiện hoạt động, tiêu chuẩn thiết bị, nhân lực, cũng như chế tài xử phạt nếu có sai phạm. Đồng thời, phải có cơ chế khuyến khích tài chính đủ hấp dẫn để các đơn vị tư nhân đầu tư bài bản thay vì làm đối phó.

Kiểm soát khí thải không chỉ là giải pháp môi trường, mà còn là bước đi mở đầu cho một văn hóa giao thông bền vững. Trong đô thị mật độ cao, một chính sách đúng chỉ thực sự thành công khi được vận hành bởi bộ máy hiệu quả và nhận được sự ủng hộ từ người dân. Trong bối cảnh này, cơ quan báo chí cần phối hợp chặt chẽ trong thông tin, tuyên truyền xuyên suốt về quy trình kiểm định, chi phí và các chính sách hỗ trợ để luật đi vào cuộc sống.

LÊ ANH