Phát triển dược liệu dưới tán rừng: Cần hành lang pháp lý
Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng được đánh giá là giải pháp kinh tế - sinh thái độc đáo, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời phát triển sinh kế bền vững cho người dân. Vậy nhưng quy định hiện hành chỉ lồng ghép nội dung dược liệu vào ngành lâm nghiệp hoặc y học cổ truyền mà chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho ngành dược liệu dưới tán rừng phát triển.

Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, Tây Bắc là khu vực có hơn hơn 3.500 loài cây thuốc, chiếm tới 70% nguồn dược liệu cả nước, từ lâu được xem là thủ phủ dược liệu của Việt Nam. Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng vì thế được đánh giá là giải pháp kinh tế - sinh thái độc đáo, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời phát triển sinh kế bền vững cho người dân nơi đây.
Theo TS Phạm Quang Tuyến (Viện Nghiên cứu Lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - NNMT), mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 80.000 tấn dược liệu, nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được 20 - 30% nhu cầu trong dân. Phần còn lại chủ yếu phải nhập khẩu.
TS Tuyến cho hay, nếu tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị bài bản, phát triển vùng trồng đạt chuẩn và tăng cường chế biến sâu, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội lớn để thay đổi cục diện ngành dược liệu.
Nói về quá trình bảo tồn, phát triển loài cây dược liệu quý hiếm tam thất đen, sau được gọi là sâm Lai Châu, ông Tuyến thông tin, đây là giống sâm quý, với hàm lượng Saponin trong 1kg sâm cao gấp 4 - 5 lần so với sâm Hàn Quốc. Giống sâm Lai Châu này vừa có khả năng sinh trưởng tốt, vừa có khả năng kháng bệnh, hoàn toàn có thể chăm sóc hiệu quả dưới tán rừng. Sâm Lai Châu đạt trên 7 năm tuổi có giá khoảng từ 40 - 60 triệu đồng/kg củ. Đến nay, giống sâm Lai Châu đã được bà con nhân rộng ra trồng tại 4 huyện (cũ) của tỉnh, gồm Tam Đường, Mường Tè, Sìn Hồ và Phong Thổ. Đó là một trong những ví dụ cho thấy lợi ích lớn từ phát triển dược liệu dưới tán rừng.
Tuy vậy, theo đánh giá của TS Phạm Quang Tuyến (Viện Nghiên cứu Lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ NNMT), hiện quá trình phát triển dược liệu dưới tán rừng còn gặp nhiều rào cản do thiếu chính sách đặc thù. Các văn bản pháp lý hiện hành chỉ lồng ghép nội dung dược liệu trong lĩnh vực lâm nghiệp hoặc y học cổ truyền, chưa có hành lang pháp lý riêng cho ngành này. Hệ quả là nhiều địa phương gặp khó khi xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn.
Nói về vấn đề này, đại diện Bộ NNMT cho biết, hiện nhiều tỉnh đã tập trung phát triển vùng cây trồng dược liệu trong rừng theo phương thức lâm - nông kết hợp, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp có bổ sung quy định chi tiết về nuôi, trồng phát triển và thu hoạch cây dược liệu trong rừng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn trong việc phát triển lĩnh vực này.
Để mở hướng cho phát triển kinh tế dưới tán rừng bằng việc phát triển vùng dược liệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải đề nghị, cần xem xét miễn tiền cho thuê môi trường rừng đối với vùng khó khăn, khuyến khích hoạt động liên kết, từ đó tạo công ăn việc làm cho đồng bào, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó cần sớm có cơ sở pháp lý phù hợp để tháo gỡ vướng mắc trong phát triển vùng dược liệu, cũng như xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn nguồn gốc địa lý đối với dược liệu do người dân nuôi, trồng phát triển và thu hoạch cây dược liệu trong rừng...