Siết hậu kiểm thực phẩm chức năng trên sàn thương mại điện tử
Thị trường thực phẩm chức năng trên nền tảng số đang phát triển nhanh chóng nhưng thiếu kiểm soát, dẫn đến hàng loạt hệ lụy về chất lượng, an toàn và niềm tin người tiêu dùng.

Vùng “trũng” của hậu kiểm
Người tiêu dùng chỉ cần vài cú click là có thể tiếp cận hàng trăm sản phẩm được quảng cáo là “tăng đề kháng”, “bổ gan”, “giảm cân cấp tốc” hoặc “trẻ hóa toàn diện” từ Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki… Sự tiện lợi đi kèm với rủi ro lớn khi cơ chế giám sát còn nhiều kẽ hở, đặc biệt là khâu hậu kiểm.
Trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), nhiều sản phẩm được rao bán không công bố rõ nguồn gốc, không có giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, thậm chí chứa chất cấm. Một số sản phẩm từng bị cảnh báo vẫn có thể “tái xuất” dưới tên gọi hoặc bao bì khác. Gian hàng thường do cá nhân vận hành, thông tin liên hệ mập mờ, không đăng ký kinh doanh, hoạt động theo mô hình “ẩn danh”.
Một ví dụ cụ thể: theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhiều sản phẩm như Omega 3 - 6 - 9, Natto Kinase, Estroven, Kirkland Glucosamine… đang được bày bán công khai trên sàn TMĐT dù chưa có giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm.
Cục đã yêu cầu Shopee, Lazada rà soát, gỡ bỏ và chấm dứt kinh doanh các sản phẩm vi phạm nêu trên. Tuy nhiên, biện pháp này mới dừng ở mức khuyến cáo hành chính, chưa đủ mạnh để xử lý tận gốc vấn đề. Trong khi đó, các sàn TMĐT với vai trò là bên trung gian kỹ thuật thường né tránh trách nhiệm hậu kiểm. Sản phẩm vi phạm tuy bị gỡ bỏ, nhưng do không truy xuất được nguồn gốc người bán, nên các đối tượng này dễ dàng “lách luật”, mở gian hàng mới và tiếp tục hoạt động như chưa từng bị xử lý.
Theo ông Hoàng Ninh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), trong 6 tháng đầu năm 2025, các sàn TMĐT đã phải gỡ hơn 33.000 sản phẩm vi phạm và xử lý hơn 11.000 gian hàng. Dù con số này phản ánh nỗ lực giám sát, nhưng cũng cho thấy thị trường đang ở trạng thái hỗn độn. “Thông tin người bán thường chỉ hiển thị tên gian hàng, rất khó truy cứu trách nhiệm khi phát sinh vi phạm” - ông Ninh nhận định.
Về phía người tiêu dùng, tâm lý chủ quan càng trở nên phổ biến khi thực phẩm chức năng không thuộc diện kê đơn. Khi xảy ra biến chứng, người dùng không biết truy cứu ở đâu; gian hàng có thể đã biến mất, hotline không còn hoạt động, trong khi sàn lại không có nghĩa vụ cung cấp thông tin truy vết.
Chú trọng truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Trước tình trạng đó, Bộ Y tế đã trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP, hướng tới siết chặt quản lý thực phẩm chức năng. Sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại Thông báo số 239/TB-VPCP ngày 18/5/2025, Bộ Y tế đã hoàn thiện Dự thảo lần thứ 8. Lần đầu tiên, nội dung hậu kiểm sản phẩm trên sàn TMĐT được quy định rõ ràng: từ đối chiếu thông tin công bố, lưu hành, kiểm nghiệm ngẫu nhiên thành phần, đến trách nhiệm của sàn trong truy xuất nguồn gốc và xử lý gian hàng vi phạm.
Cụ thể, theo dự thảo mới, ngoài các nội dung hậu kiểm truyền thống như kiểm tra tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu kiểm nghiệm, cơ quan chức năng sẽ đối chiếu thông tin sản phẩm trên các nền tảng số với thực tế. Điều này bao gồm so sánh nội dung quảng cáo, hình ảnh, nhãn mác sản phẩm giữa sàn TMĐT và hàng hóa lưu thông thực tế.
Bộ Y tế nhấn mạnh, bước kiểm tra chéo này nhằm kiểm soát tình trạng quảng cáo sai lệch công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Bộ Y tế cũng đề xuất xây dựng bộ quy tắc ứng xử quảng cáo thực phẩm, trong đó nhấn mạnh việc giám sát cả người thực hiện, người chuyển tải quảng cáo (KOLs, người nổi tiếng) và công khai mối quan hệ tài trợ giữa họ và doanh nghiệp.
Về phía quản lý nhà nước, Bộ Y tế kiến nghị kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, để đảm bảo thống nhất hậu kiểm, chia sẻ kết quả và truy vết nguồn gốc trên toàn quốc.
Theo luật sư Lại Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Luật LLA Legel, để các quy định mới thực sự đi vào cuộc sống, cần bổ sung những công cụ giám sát rõ ràng và có tính ràng buộc. Ông đề xuất áp dụng cơ chế truy xuất nguồn gốc bắt buộc với mỗi sản phẩm thông qua mã QR duy nhất, liên kết trực tiếp với dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước. Người tiêu dùng có thể quét mã để kiểm tra nơi sản xuất, đơn vị phân phối, hạn sử dụng và tình trạng pháp lý của sản phẩm. Doanh nghiệp không có mã truy xuất hoặc mã không hợp lệ cần bị loại khỏi thị trường.
Ngoài ra, theo luật sư Thanh, việc kiểm soát các kênh phân phối không chính ngạch, đặc biệt là sản phẩm xách tay hoặc gian hàng ảo – cần được đẩy mạnh. Nếu là hàng hóa thương mại, dù trong nước hay nhập khẩu, đều phải công bố chất lượng và chịu hậu kiểm như nhau. Quan trọng hơn, các trường hợp vi phạm cần bị xử lý nghiêm khắc, công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế hoặc Bộ Công thương để đảm bảo tính răn đe.
“Người tiêu dùng không thể một mình xoay xở trong ma trận hàng hóa trực tuyến. Trách nhiệm quản lý là của nhà nước, nhưng vai trò giám sát cũng cần đến sự lên tiếng của báo chí, các tổ chức xã hội và người dân thông qua các kênh phản ánh chính thống” - ông Thanh nói.