Giáo dục

Nâng chất đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao

Vi Cầm 08/07/2025 14:13

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa cho biết, đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1002/QĐ-TTg trong tháng 5, phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 –2035, định hướng đến năm 2045. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm phát triển nhân lực STEM trong thời gian tới.

bai chinh
Sinh viên theo học ngành kỹ thuật tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Khoảng 60.000 sinh viên đang theo học ngành công nghệ cao

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, trong nhiều năm qua, từ bậc giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT trong quá trình xây dựng chương trình đã hết sức chú trọng đến các môn học STEM bao gồm khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học, tiếp nối đến giáo dục đại học (ĐH) và trên ĐH.

Cụ thể, về quy mô đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, với những ngành nghề, lĩnh vực này đến thời điểm hiện nay, 90% cơ sở giáo dục ĐH có tham gia đào tạo các ngành STEM như khoa học kỹ thuật, công nghệ, toán, phục vụ những mục tiêu đó. Về quy mô đào tạo ĐH chính quy, riêng năm 2024 tăng lên khoảng 10,6%, tương đương 60.000 sinh viên. Tổng số sinh viên tuyển mới năm 2024 là 218.000 sinh viên, chiếm 36% tổng số sinh viên trên toàn quốc. Xu thế theo học các ngành và lĩnh vực này tăng hơn rất nhiều và tốc độ tăng cao so với nhiều năm trước đây.

Về quy mô bậc học sau ĐH, năm 2024, số lượng học viên ngành STEM tiếp tục tăng mạnh. Trình độ thạc sĩ tăng tới 34%, đạt gần 20.000. Trình độ tiến sĩ tăng 33% với gần 4.000 nghiên cứu sinh, tăng gần 600 nghiên cứu sinh so với năm 2023. Đây là xu thế, thể hiện tín hiệu rất đáng mừng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình 1017 trong năm 2024 về phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu đến năm 2030 phải đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn và đến năm 2050 có nguồn nhân lực đủ mạnh để tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn cao của toàn cầu.

Trong năm học 2024 - 2025, cả nước có khoảng 19.000 sinh viên nhập học các ngành phù hợp với lĩnh vực bán dẫn, chiếm khoảng 10% sinh viên theo học ngành STEM; có 166 cơ sở đào tạo các chuyên ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn, trong đó có 97 cơ sở đào tạo trực tiếp các ngành này.

Tăng cường chính sách ưu đãi

Theo nhận định từ Bộ GDĐT, mặc dù tăng như vậy nhưng hiện tỷ lệ người học lĩnh vực STEM ở Việt Nam vẫn còn thấp. Đến nay chúng ta chỉ tiệm cận khoảng 27% đến 31%, trong khi đó Singapore là 46%, Malaysia là 50%, Hàn Quốc 33%, Đức 39%... Những nước phát triển tỷ lệ này càng cao, để thấy nhu cầu của Việt Nam phải tăng cả về quy mô và số lượng, tốc độ nhanh hơn.

Thực tế cũng chỉ ra rằng, một vài năm gần đây tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT chọn các môn tự nhiên ngày càng giảm. Nhiều học sinh THPT có xu hướng chọn học khoa học xã hội và nhân văn, ít quan tâm đến các ngành khoa học cơ bản, STEM, nhất là với học sinh trường THPT chuyên - đây đang là một thách thức lớn với việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao. Cùng đó, mặc dù lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng khá cao so với các lĩnh vực khác ở quy mô đào tạo sau ĐH, nhưng tỷ lệ theo học sau ĐH ở lĩnh vực này lại đứng ở vị trí rất thấp trong các lĩnh vực STEM. Đáng chú ý là tỷ lệ nữ sinh theo học các ngành STEM còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt ở các nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ mũi nhọn.

Để đảm bảo chất lượng, Bộ GDĐT đã xây dựng các chuẩn chương trình và thành lập Hội đồng các chuyên gia để thẩm định chương trình này. Thời điểm này đã có 30 chương trình đào tạo được công bố với 8 cơ sở đào tạo giáo dục ĐH.

Hiện Bộ GDĐT đang xây dựng Nghị định chính sách học bổng cho người học các ngành học STEM và đã lấy ý kiến các bộ ngành, dự kiến trong tháng 7 này trình Thủ tướng Chính phủ về cấp học bổng, thu hút cho người học là sinh viên, nghiên cứu sinh.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Điều này được kỳ vọng góp phần thu hút người học, giúp sinh viên có thể phát huy hết năng lực, trình độ chuyên môn đã được đào tạo để nâng chất nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Vi Cầm