Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Sự tử tế luôn tồn tại lâu dài

Đức Sơn 09/07/2025 07:14

Chiếc xe tải lật trong đêm. Hơn 4 tấn vải văng xuống lề đường. Người phụ nữ chủ xe sau đó chỉ biết òa khóc khi thấy từng túm vải bị người ta lặng lẽ mang đi. Nhưng may thay, câu chuyện ấy không kết thúc trong tuyệt vọng. Nó mở ra một điều lớn hơn: Sự tử tế vẫn còn, chỉ là ta có kịp lựa chọn nó hay không.

Khi chị Bùi Thị Lịch (chủ xe) quay lại hiện trường sau tai nạn, điều khiến chị sững người là hình ảnh từng người hối hả vác bao vải đi. Bị thương trên thân thể, kiệt sức và gần như suy sụp, chị chỉ còn biết bật khóc: “Các bác ơi, đây là vải của cháu...” nhưng không ai để ý. Người thì cúi đầu đi thẳng, người thì lặng lẽ quay clip. Không tiếng la hét, không tranh cướp nhưng vẫn khiến người ta nghẹn lại. Bởi điều khiến một người gục xuống đôi khi không phải là cú va chạm với mặt đường, mà là cú va chạm với lòng người.

Tưởng như đó lại là một câu chuyện buồn nữa về sự vô cảm. Nhưng may thay, nó không khép lại như vậy. Khi câu chuyện được chia sẻ, hàng chục người dân - có thể trong số họ từng “lỡ tay” nhặt vải đã gọi điện xin lỗi, chuyển khoản hỗ trợ chị Lịch. Tính đến sáng 8/7, gia đình chị đã nhận được gần 40 triệu đồng, số tiền không chỉ giúp bù đắp phần nào tổn thất, mà còn vá lại niềm tin vào cộng đồng.

Vụ việc “nhặt vải” không phải là cá biệt. Trước đó, đã từng có những vụ “hôi bia” ở Đồng Nai, “hôi dưa” ở Quảng Ngãi, “hôi gạo” ở Quảng Trị (cũ)... Trong tất cả những tình huống ấy, người gặp nạn thì ngồi khóc, còn người đi ngang thì cúi xuống nhặt, như thể đồ rơi là đồ chung. Nhiều người biện minh: “Tưởng là hàng bỏ”. Nhưng thử hỏi, nếu đó là hàng của mình, mình có muốn người khác cũng “tưởng” như vậy không?

Điều đáng nói không nằm ở số lượng hàng hóa bị mất, mà nằm ở giá trị đạo đức bị đánh rơi trong khoảnh khắc ấy. Một chiếc xe có thể sửa, hàng hóa có thể mua lại, nhưng khi cộng đồng quay lưng với nỗi đau của một con người thì tổn thương để lại không gì đo đếm được. May mắn thay, sự tử tế đã quay lại, dù có phần muộn màng.Những cuộc gọi hỏi thăm.Những khoản tiền chuyển đi không tên.Những lời xin lỗi nhẹ nhàng nhưng chân thành.Đó không chỉ là sự bù đắp, mà còn là hành động tự điều chỉnh, tự thanh lọc của cộng đồng.

Cũng phải nói rằng, sự tử tế vẫn xuất hiện ở nhiều nơi khác với những ứng xử đẹp của người dân khi có tai nạn xảy ra. Như vụ va chạm giữa xe khách và xe tải chở dưa hấu ở Nghệ An ngày 10/5 vừa qua: xe tải bị lật, dưa đổ tràn đường. Người dân không ai lấy một quả, chỉ âm thầm gom dưa, sắp gọn bên lề rồi kêu gọi mọi người mua “tùy tâm” để giúp tài xế gỡ gạc. Hay tại Hà Tĩnh, giữa trưa nắng cháy da, hàng trăm người dân vẫn đội nắng nhặt từng con cá giúp một chiếc xe tải gặp nạn. Không ồn ào.Không quay clip.Không chờ lời cảm ơn.Họ chỉ lặng lẽ làm điều đúng. Đó là những hành động không cần máy quay, không cần mạng xã hội, chỉ cần một trái tim biết ấm lên khi người khác gặp nạn. Và đó cũng là thước đo của một xã hội văn minh.

Văn minh không phải là bao nhiêu người đi xe sang, mà là cách người ta ứng xử với người khác khi hoạn nạn. Chúng ta không cần biến mình thành người hùng, nhưng ít nhất, khi đứng trước một người đang kiệt quệ, đừng làm họ đau thêm chỉ vì vài gói hàng hóa. Sự tử tế không bao giờ là thừa.Nó không đắt tiền, không cần học vị cao hay địa vị lớn. Nó chỉ cần một khoảnh khắc lựa chọn đúng: giữa cúi xuống để nhặt hay cúi xuống để đỡ ai đó đứng lên. Cộng đồng không cần hoàn hảo, chỉ cần đủ người biết chậm lại một nhịp để lắng nghe người khác.

Không ai giàu lên vì nhặt vài quả vải.Nhưng có người nghèo đi mãi trong ánh mắt người khác, chỉ vì một lần cúi xuống sai chỗ.Ngược lại, người biết đứng lại để đỡ người khác, sẽ bước đi cao hơn trong lòng đời.

Đức Sơn