Từ đổi mới tổ chức đến đồng hành cùng dân trong xây dựng chính quyền 2 cấp
Ngày 9/7, tại hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ tư, khóa X ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết về tổ chức bộ máy sau sáp nhập, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh, MTTQ cần phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt trong khối đại đoàn kết, gắn tuyên truyền vận động với giám sát để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.

Tại hội nghị, ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam bày tỏ niềm vui trước những thành tựu kinh tế, xã hội, đối ngoại trong 6 tháng đầu năm 2025, đồng thời đánh giá cao việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức từ ngày 1/7/2025.
Theo ông Ngô Sách Thực, việc kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy ở cơ sở đã tạo điều kiện để Chủ tịch Mặt trận các cấp khẳng định vị thế, vai trò rõ nét hơn. Bộ máy mới của Mặt trận sẽ tiếp tục phát huy sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, quy tụ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có lực lượng công, nông, binh, trí thức, các tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo. “Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Chính phủ đã đưa ra những quyết sách rất đúng đắn, thể hiện tư duy chiến lược với 4 ‘trụ cột’: cách mạng tinh gọn bộ máy, hướng về cơ sở, chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang phục vụ người dân, miễn học phí, viện phí. Đây là những việc làm rất hợp lòng dân”, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Từ các phản ánh, kiến nghị liên quan đến những vấn đề bức xúc của nhân dân, ông Thực cho rằng, vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị -xã hội phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa thông qua công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời giám sát hiệu quả ngay từ cơ sở. Đặc biệt, ông cũng nhấn mạnh đến những đổi mới trong công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính và phân cấp mạnh cho cấp xã. Một số nội dung mới như: thủ tục hành chính không phân biệt địa giới, quyền thu hồi thuế đất, cấp quyền sử dụng đất… là những vấn đề sát sườn với người dân, cần được giám sát công khai, minh bạch và thực hiện qua nền tảng số.
Bên cạnh đó, ông Ngô Sách Thực đề nghị, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện chính sách khuyến khích xã hội hóa, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, người yếu thế và công tác bảo trợ xã hội. Đặc biệt, việc công khai, minh bạch trong hỗ trợ học phí, viện phí với tinh thần nhân văn rõ rệt. Bên cạnh đó, chính sách miễn học phí cũng cần áp dụng cả với trẻ em tại các cơ sở công lập lẫn ngoài công lập, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả việc này cần có hướng dẫn cụ thể và giám sát chặt chẽ để chính sách đi vào thực tế, tránh hình thức hoặc lợi dụng chính sách.
Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy các Hội quần chúng, ông Thực cũng cho rằng, đây là vấn đề cấp thiết trong quá trình tinh gọn bộ máy, tránh chồng chéo, trùng lặp. Do đó, cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để việc sắp xếp được đồng bộ và quyết liệt hơn, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị.