Quyền sở hữu tài sản trong kỷ nguyên số
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự đa dạng của các loại tài sản mới, đặc biệt là tài sản ảo, đang đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống pháp luật Việt Nam trong việc điều chỉnh, bảo vệ quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản.
.jpg)
Luật cũ, tài sản mới
Nhìn lại thực tiễn 10 năm áp dụng Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sự bổ sung, sửa đổi kịp thời để đảm bảo các quyền về sở hữu tài sản trong kỷ nguyên số và sự tồn tại của các dạng tài sản số.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM đánh giá, BLDS năm 2015 đã đóng vai trò nền tảng trong việc điều chỉnh và định hướng cho các quan hệ về nhân thân và tài sản ở nước ta, đặc biệt là các quy định về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản trong 10 năm qua. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cũng cho thấy vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt liên quan đến việc xác lập, thực thi, bảo vệ các quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.
PGS.TS Trần Việt Dũng cho rằng, 5 năm trở lại đây với sự xuất hiện của các loại tài sản mới như dữ liệu số, tài khoản mạng xã hội, quyền phát thải, tài sản ảo… đang thách thức quan niệm truyền thống về tài sản. Bối cảnh này đòi hỏi luật phải được sửa đổi, bổ sung theo hướng bao quát được các thay đổi về phát triển nhanh chóng của công nghệ, thị trường và sự đa dạng của các loại tài sản mới.
Ngay cả đối với các tài sản truyền thống như bất động sản, TS Vũ Thị Diệu Thúy, chuyên gia về luật dân sự, cũng đang có những thay đổi trong kỷ nguyên số. Chuyên gia này đề xuất cần sửa đổi Điều 115 BLDS năm 2015 theo hướng mở rộng phạm vi ghi nhận các đối tượng mới của quyền tài sản. Bởi vì, khái niệm “quyền tài sản” đã có nhiều thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ trong một số lĩnh vực như số hoá, sở hữu trí tuệ và đầu tư. Trong khi đó, các ý kiến khác cũng đặt vấn đề về sự chưa thống nhất giữa BLDS 2015 và luật chuyên ngành trong xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản.
Ở khía cạnh về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản là bất động sản trong giao dịch dân sự, ThS. Nguyễn Thị Thu Sương, đại diện Công ty Luật TNHH TAPHALAW cũng chỉ ra những điểm chưa thống nhất giữa BLDS 2015 và các quy định của pháp luật chuyên ngành khi quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản là quyền sử dụng đất hay nhà ở trong giao dịch dân sự. Qua đó, luật gia này cho rằng, cần thiết phải xây dựng một cơ chế pháp lý phù hợp để điều chỉnh thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản trong giao dịch dân sự, đặc biệt trong những trường hợp có sự giao thoa với Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024.
Cần khung pháp lý cho tài sản số
Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, thời gian gần đây các chuyên gia pháp lý trong nước đã nhiều lần đề cập đến sự cấp bách trong việc xác lập quy định pháp luật đối với tài sản ảo. Điển hình, về sự tồn tại của “tiền ảo” là tài sản phi truyền thống, và pháp luật trong nước cũng chưa có chế tài cụ thể đối với tài sản mới này. Dẫu vậy, dù thận trọng đến đâu, pháp luật hiện hành vẫn cần nghiên cứu quy định cụ thể về loại tài sản số này để có căn cứ pháp lý điều chỉnh các giao dịch, giải quyết tranh chấp và thực hiện nghĩa vụ thuế trên thực tế.
Nhìn ra thế giới, hiện nay nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc,… đã ban hành các đạo luật riêng để điều chỉnh hoạt động kinh doanh, sử dụng, chuyển nhượng tài sản ảo, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu. Trong khi đó, pháp luật hiện hành của nước ta đến nay vẫn chưa có quy định rõ ràng về khái niệm hay chế định pháp lý cho loại tài sản này, dẫn đến nhiều giao dịch không được xác thực tính hợp pháp.
Có thể nói, từ cả hai góc tiếp cận về tài sản truyền thống và tài sản kỹ thuật số, các chuyên gia đều cho rằng việc hoàn thiện khung pháp luật về quyền sở hữu là yêu cầu tất yếu và cấp thiết. Không chỉ nhằm tạo sự ổn định trong giao dịch dân sự, mà còn để pháp luật nước nhà bắt kịp xu thế phát triển kinh tế số, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân trong bối cảnh tài sản ngày càng đa dạng, vượt khỏi khuôn khổ vật chất truyền thống.