Cẩn trọng khi chọn tổ hợp lớp 10
Thời điểm hiện tại nhiều trường THPT tại Hà Nội đã tổ chức các buổi gặp gỡ phụ huynh, học sinh vừa trúng tuyển lớp 10 để giới thiệu mô hình giảng dạy của trường cũng như hướng dẫn lựa chọn tổ hợp môn học năm 2025 - 2026.
Tại TPHCM, trong các ngày 2, 3 và 4/7, nhiều trường THPT đã tổ chức họp phụ huynh học sinh đầu năm nhằm giới thiệu về Chương trình GDPT 2018, đồng thời hướng dẫn học sinh cách thức chọn tổ hợp môn học ở lớp 10.
Còn tại Hà Nội, từ ngày 5/7, nhiều trường THPT đã tổ chức các buổi gặp gỡ phụ huynh, học sinh vừa trúng tuyển lớp 10 để giới thiệu mô hình giảng dạy của trường cũng như hướng dẫn lựa chọn tổ hợp môn học. Các chương trình tương tự sẽ được các nhà trường tổ chức từ nay đến hết tháng 7/2025.
Theo Chương trình GDPT 2018, cấp THPT sẽ là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp hoặc thị trường lao động trong tương lai.
Cụ thể, học sinh lớp 10 phải học 8 môn bắt buộc bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử. Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.
Việc chọn tổ hợp môn giúp học sinh tập trung vào lĩnh vực mình yêu thích, đồng thời tạo tiền đề cho việc lựa chọn ngành học sau này. Tuy nhiên, chính sự đa dạng đó lại khiến nhiều học sinh lúng túng, không biết nên chọn tổ hợp nào phù hợp nhất với mình.
Thực tế những năm học trước, rất nhiều trường hợp học sinh chọn tổ hợp sai dẫn đến học lệch hoặc phải học bổ sung rất nhiều ngoài giờ. Theo chia sẻ của các giáo viên và các nhà trường, mặc dù việc chọn tổ hợp môn lựa chọn ở cấp THPT được triển khai đã được 3 năm qua, nhưng với phụ huynh có con mới vào cấp THPT thì vẫn rất mới mẻ. Nhiều phụ huynh cho biết, họ đau đầu vì chọn tổ hợp cho con hoặc cha mẹ, con cái tranh luận gay gắt vì con muốn chọn môn này, bố mẹ lại khuyên học môn khác. Có học sinh thích tự nhiên nhưng bố mẹ lại muốn con chọn môn xã hội và định hướng thi khối D. Nếu theo bố mẹ thì không phải sở trường, sở thích của em; còn nếu theo ý mình, em lo bố mẹ buồn, không ủng hộ và gây áp lực.
Ở năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội, tình trạng học sinh muốn đổi tổ hợp môn học gần như ở trường nào cũng có. Lý do được học sinh đưa ra rất giống nhau, đó là sau khi học một thời gian các em thấy mình không phù hợp với môn đã chọn, giờ muốn đổi tổ hợp môn học để phục vụ cho thi đại học sau này. Nếu tiếp tục học tổ hợp các môn như đã chọn hồi đầu năm, việc học sẽ rất nặng.
Tìm hiểu được biết, ngoài nguyên nhân thay đổi định hướng để thi ĐH, hay do chọn tổ hợp không phù hợp năng lực, nhiều học sinh và kể cả phụ huynh cũng chưa hiểu rõ về nội dung một số môn học như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ… Dẫn đến chưa hiểu hết về ngành học và nghề nghiệp liên quan nếu học các tổ hợp có các môn học này. Cũng có không ít trường hợp học sinh chọn theo cảm tính, đám đông, né các môn học mà các em cho là khó ở cấp THPT như là Vật lý, Hóa học, Sinh học...
Theo hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT, học sinh lớp 10 sẽ được thay đổi môn học lựa chọn, đổi tổ hợp vào cuối năm học. Tại Hà Nội, với những trường hợp như vậy, các nhà trường đều có tư vấn việc đổi sao để giảm số môn phải học bù; bố trí dạy bù kiến thức này cho học sinh.
Như vậy, việc thay đổi lựa chọn tổ hợp sẽ chỉ được thực hiện khi năm học kết thúc. Do đó, để hạn chế việc đổi tổ hợp môn học giữa chừng, trước khi chọn lựa, học sinh cần căn cứ nhiều yếu tố gồm năng lực, sở thích, dự định nghề nghiệp và đừng ngại ngần chia sẻ với giáo viên, phụ huynh để cùng đưa ra quyết định phù hợp nhất. Cùng đó, việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phải sâu sát, thiết thực hơn.
Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), khi học sinh muốn đổi sang tổ hợp khác cần hết sức cân nhắc vì phải học bù lại kiến thức của bộ môn mới để đảm bảo tính liên thông, kết nối về kiến thức. Nếu số môn học bù nhiều, lên tới 2 - 3 môn thực ra sẽ rất khó để các em tiếp cận kiến thức trong những năm học tiếp theo.