Xã hội

Công nghệ số: “Đòn bẩy” giảm nghèo bền vững

Lê Bảo 10/07/2025 09:25

Cách mạng công nghệ đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng cường kỹ năng, kiến thức, công nghệ cho người nghèo - đây được xem là chìa khóa, giúp giảm nghèo bền vững.

bai chinh
Giai đoạn 2021-2025 cả nước có hơn 10.000 mô hình, dự án giảm nghèo được triển khai. Ảnh: L.H.

Theo báo cáo tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân giảm 1,03%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo bình quân giảm 6,7%/năm. Có 19 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Đến nay, có 3 huyện nghèo được công nhận thoát nghèo. Dự kiến năm 2025 sẽ có thêm 19 huyện thoát nghèo. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ là 2.393.332 hộ, dự kiến cuối năm 2025 còn 1.256.197 hộ, đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra.

Bên cạnh những thành tựu ấn tượng, công tác giảm nghèo cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất đến từ chính cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Sự trỗi dậy của AI và tự động hóa đang làm thay đổi sâu sắc thị trường lao động. Nhiều chuyên gia cảnh báo, một bộ phận lao động, đặc biệt là người nghèo và người có thu nhập thấp, đang đứng trước nguy cơ mất việc làm do máy móc và robot thay thế.

Đề cập đến vấn đề này, ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quốc gia việc làm, dự báo rằng Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động Việt Nam, nơi nhiều việc làm cũ có thể mất đi và nhiều việc làm mới xuất hiện. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người nghèo, vốn có thể bị thu hẹp đáng kể.

Ông Liễu chia sẻ một mối lo ngại cụ thể: Hiện nay chúng tôi phối hợp với các địa phương dịch chuyển lao động ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng núi (chủ yếu là lao động nghèo, có thu nhập thấp, không có việc làm) về các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, nếu tới đây doanh nghiệp áp dụng công nghệ nhiều hơn, việc làm bị thu hẹp thì đây cũng sẽ là một bất lợi cho người nghèo”.

Bên cạnh nguy cơ mất việc làm, người nghèo còn đối mặt với một rào cản lớn khác là "khoảng cách số". Theo các báo cáo, người nghèo đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với công nghệ 4.0. Tại các vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận điện, internet hay các thiết bị công nghệ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Thêm vào đó, bản thân người nghèo cũng đối mặt với thách thức do kỹ năng công nghệ còn hạn chế. Thực tế này tạo ra một vòng luẩn quẩn: lao động nào tận dụng được công nghệ thì có thể gia tăng thu nhập, trong khi người không có điều kiện tiếp cận sẽ ngày càng tụt lại phía sau. Nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời, khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng bị nới rộng.

Trước những thách thức trên, ông Nguyễn Trần Lâm - chuyên gia từ Quỹ Nông nghiệp của Liên hiệp quốc cho rằng, sự phát triển của công nghệ đem đến những thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam triển khai giảm nghèo bền vững. Dẫn chứng, ông Lâm đã chia sẻ câu chuyện một nhóm thanh niên ở Phong Thổ (Lai Châu) đã cùng nhau livestream để bán chuối sấy khô và được thị trường đón nhận. Nhờ vận dụng thế mạnh của công nghệ doanh thu từ sản phẩm cũng tăng đáng kể.

Câu chuyện này cho thấy, khi được trang bị kiến thức và có ý chí, người nghèo hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ. Để nhân rộng những mô hình như vậy, cần có các chương trình giáo dục lồng ghép kiến thức công nghệ từ rất sớm, ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Song song với đó, phải liên tục chia sẻ các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm hiệu quả để giúp người nghèo có thêm niềm tin và động lực.

Lê Bảo