Quốc tế

Khám phá lòng sông cổ đại cho thấy sao Hỏa từng ẩm ướt

Mai Phương 10/07/2025 10:45

Các nhà khoa học phát hiện dấu vết của 10.000 dặm sông ngòi tại khu vực mà nhiều người tin rằng "không có bằng chứng nào về nước".

Hàng nghìn dặm lòng sông cổ đại đã được phát hiện tại vùng cao nguyên phía nam đầy miệng núi lửa của sao Hỏa, cho thấy hành tinh đỏ từng là một thế giới ẩm ướt hơn nhiều so với những gì các nhà khoa học nghĩ.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện dấu vết địa chất của gần 16.000 km các dòng nước cổ đại, được cho là có niên đại hơn 3 tỷ năm, trong các hình ảnh độ phân giải cao về cảnh quan gồ ghề do tàu vũ trụ chụp được.

Trong khi một số lòng sông tương đối ngắn, một số khác tạo thành mạng lưới trải dài hơn 100 dặm. Theo các nhà nghiên cứu, những con sông trải rộng này có thể đã được bổ sung nước nhờ mưa hoặc tuyết rơi thường xuyên trong khu vực.

“Nước đã được tìm thấy trên sao Hỏa vô số lần trước đây, nhưng điều thực sự thú vị là chúng ta phát hiện chúng tại một khu vực mà trong một thời gian dài không có bằng chứng nào về nước. Những gì chúng tôi phát hiện ra là khu vực này thực sự có nước và nó được phân bố rất rộng rãi. Nguồn nước duy nhất có thể duy trì những con sông này trên một khu vực rộng lớn như vậy chắc hẳn phải là một loại mưa cục bộ nào đó”, ông Adam Losekoot, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Mở cho biết.

Những dấu hiệu rõ ràng nhất của nước cổ đại trên sao Hỏa là các mạng lưới thung lũng và hẻm núi khổng lồ, được cho là do nước chảy qua địa hình tạo nên. Nhưng một số khu vực trên hành tinh này có rất ít thung lũng, khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi về độ ẩm trong quá khứ của các khu vực này.

Một khu vực đặc biệt khiến các nhà nghiên cứu bối rối là Noachis Terra, hay Vùng đất của Noah, một trong những cảnh quan lâu đời nhất trên sao Hỏa. Theo các mô hình máy tính về khí hậu sao Hỏa cổ đại, khu vực này hẳn đã có mưa hoặc tuyết rơi đáng kể, tạo nên địa hình khi nước chảy qua.

Đối mặt với việc thiếu bằng chứng về lòng sông cổ đại, ông Losekoot và các đồng nghiệp đã chuyển sang sử dụng những hình ảnh độ phân giải cao của Noachis Terra được chụp bởi các thiết bị trên tàu quỹ đạo trinh sát sao Hỏa (MRO) và Mars Global Surveyor của NASA. Các hình ảnh bao phủ gần 4 triệu dặm vuông vùng cao nguyên phía nam hành tinh, một diện tích đất liền lớn hơn nhiều so với Úc.

Các hình ảnh cho thấy nhiều đặc điểm địa chất được gọi là các dải sông uốn khúc, hay còn gọi là các kênh ngược. Chúng hình thành khi các vết trầm tích do các con sông cổ đại mang theo cứng lại theo thời gian, và sau đó lộ ra khi nền đất mềm xung quanh chúng bị xói mòn. Trong khi một số vết tương đối hẹp, những vết khác lại rộng hơn một dặm.

"Chúng tôi có rất nhiều đoạn dải sông nhỏ và chúng thường rộng vài trăm mét và dài khoảng 3,5 km, nhưng có một số lớn hơn thế rất nhiều", ông Losekoot cho biết thêm.

Những phát hiện này, sẽ được trình bày vào thứ Năm tại cuộc họp toàn quốc của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh ở Durham, cho thấy sự hiện diện lâu dài của nước bề mặt ở vùng Noachis Terra của Sao Hỏa khoảng 3,7 tỷ năm trước.

Trong quá khứ ấm áp và ẩm ướt hơn, hành tinh này từng chứa những khối nước khổng lồ. Sao Hỏa trở thành thế giới khô cằn mà chúng ta biết ngày nay khi từ trường của nó suy yếu, cho phép gió mặt trời làm xói mòn bầu khí quyển và nước thoát ra ngoài không gian. Nhưng một số nước có thể vẫn còn tồn tại mà không thể nhìn thấy. Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã báo cáo vào tháng 4 rằng, bên ngoài các chỏm băng cực của Sao Hỏa, một hồ chứa nước khổng lồ có thể ẩn sâu bên dưới bề mặt Sao Hỏa.

Mai Phương