Kinh tế

Hoạt động kiểm toán: Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa

Hoàng Mai 11/07/2025 14:14

Sáng 11/7, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Hội nghị được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 31 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm toán nhà nước (11/7/1994-11/7/2025). Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung, Bùi Quốc Dũng, Trần Minh Khương; các lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng các đơn vị trực thuộc KTNN.

Hoàn thành toàn diện kế hoạch 6 tháng đầu năm

Báo cáo đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025 của KTNN, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã chủ động, tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đã hoàn thành toàn diện và chất lượng các nhiệm vụ công tác theo đúng kế hoạch với nhiều kết quả, nổi bật là trong hoạt động kiểm toán.

Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2025 của KTNN lập đã bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Phương án tổ chức kiểm toán năm 2025 được xây dựng theo hướng tiếp tục bố trí sắp xếp lồng ghép hợp lý các đoàn kiểm toán góp phần hạn chế tần suất kiểm toán tại các địa phương; cân đối nhân sự các đoàn kiểm toán ngay từ đầu năm.

Với quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán "Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa", Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sát tình hình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực kiểm toán.

Quang cảnh cuộc họp- Ảnh:M.L

Trước khi tiến hành kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Chỉ thị về việc tổ chức thực hiện KHKT năm 2025, Phương án tổ chức kiểm toán năm 2025, Hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2025 và các đề cương, hướng dẫn kiểm toán nhằm triển khai hiệu quả hoạt động kiểm toán thống nhất, chất lượng, hiệu quả.

Việc xây dựng đề cương kiểm toán chuyên đề toàn ngành năm 2025 đã được thực hiện nghiêm túc, khắc phục được hạn chế của những năm trước khi đề cương kiểm toán được kịp thời ban hành và tổ chức tập huấn nghiêm túc đề cương cho các đoàn kiểm toán, tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán và công chức của các vụ tham mưu tham gia thẩm định, kiểm soát chất lượng KHKT, báo cáo kiểm toán (BCKT) trước khi tổ chức hoạt động kiểm toán.

KTNN đã tổ chức thí điểm áp dụng AI và phân tích dữ liệu trong hoạt động kiểm toán. Kết quả ban đầu, AI đã chỉ ra các nội dung liên quan đến vượt tiêu chuẩn định mức; chỉ ra thời gian thực hiện không hợp lý với khối lượng thực hiện và một số lưu ý khác.

Trong quá trình kiểm toán, KTNN đã linh hoạt điều chỉnh không kiểm toán đối với những đầu mối, đơn vị đã được Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thanh tra, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp; giảm thiểu sự phiền hà cho các đơn vị được kiểm toán.

Đặc biệt, trong điều kiện các bộ, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành điều chỉnh KHKT, phương án tổ chức kiểm toán để vừa đảm bảo hoàn thành toàn diện KHKT năm 2025, vừa tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy. KTNN đã giảm một số cuộc kiểm toán tại các bộ, ngành, các cuộc kiểm toán liên quan đến cấp huyện, đồng thời điều chỉnh phương án tổ chức kiểm toán, ưu tiên tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách cấp tỉnh hoàn thành trước 30/6/2025.

Các đại biểu thảo luận tại cuộc họp-Ảnh: M.L

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 43 dự thảo BCKT, 16 BCKT đã phát hành thuộc KHKT năm 2025, KTNN kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN 8.344 tỷ đồng (tăng thu NSNN 2.410 tỷ đồng, giảm chi NSNN 5.934 tỷ đồng), kiến nghị khác 9.288 tỷ đồng. Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

KTNN cũng đã phát hành Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2024 đối với kết quả kiểm toán năm 2023 cho niên độ NSNN năm 2022 và kiến nghị năm trước chưa thực hiện; đồng thời công khai danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2024 (cho niên độ ngân sách năm 2023), tính đến ngày 15/6/2024, tổng số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác đã thực hiện là 3.533/31.538 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,2%.

Trong quá trình kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán. Tính đến 30/6/2025, KTNN đã chuyển 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ; đang làm các thủ tục để chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Đặc biệt, KTNN đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ KTNN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Rà soát, điều chỉnh kế hoạch 6 tháng cuối năm phù hợp tình hình mới

Tại Hội nghị, các ý kiến bày tỏ nhất trí cao đối với các nội dung của Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm của ngành; đồng thời, đại diện các đơn vị đã tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai công tác kiểm toán, nhất là trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính; công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán; công tác ứng dụng công nghệ thông tin…

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu chỉ đạo- Ảnh: M.L

Chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành trong triển khai Kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2025.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, 6 tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh hết sức đặc biệt song toàn ngành KTNN đã đoàn kết, phấn đấu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. KTNN đã thích nghi rất nhanh, rất linh hoạt với bối cảnh sắp xếp bộ máy. Đến nay, toàn ngành kiểm toán đã cơ bản hoàn thành các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.

Xác định bước vào 6 tháng cuối năm với bộn bề rất nhiều việc, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu KTNN các đơn vị rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh kế hoạch công tác để đảm bảo phù hợp với bối cảnh mới và các nhiệm vụ phát sinh.

Đồng thời, cần khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ KTNN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025-2030, đặc biệt là tập trung thể chế hóa 4 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa về: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương ; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của KTNN theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị; Nâng cao chất lượng kiểm toán, tập trung kiểm toán chuyên đề, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Việc xây dựng 4 Nghị quyết chuyên toàn khóa phải đảm bảo bám sát tinh thần 4 Nghị quyết được coi là “bộ tứ trụ cột” góp phần đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương quyết toán, bàn giao, đưa vào sử dụng các công trình, dự án, phát huy tối đa hiệu quả; tiếp tục kiện toàn cơ sở vật chất; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số và đào tạo; đảm bảo chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức, người lao động KTNN, đặc biệt là cán bộ thuộc diện luân chuyển, điều động./.

Hoàng Mai