TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành trung tâm tiêu dùng mới nổi của khu vực Đông Á
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia khi tham dự tọa đàm "Không gian phát triển TP Hồ Chí Minh – Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ", diễn ra chiều 11/7 tại phường Vũng Tàu (TP Hồ Chí Minh).
Nhiều điều kiện tốt để thúc đẩy tiêu dùng, mua sắm
Tại tọa đàm, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết, sau hợp nhất với 2 địa phương năng động và phát triển hàng đầu Việt Nam là Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, không gian phát triển của TP Hồ Chí Minh mới được mở rộng chưa từng có.
TP Hồ Chí Minh giờ đây trở thành siêu đô thị đa cực, kết hợp giữa trung tâm hành chính – tài chính – tiêu dùng truyền thống với vùng công nghiệp – logistics – cảng biển năng động.

Ông Tuấn thông tin, mật độ kinh tế TP Hồ Chí Minh đạt 400 tỷ đồng/ha. Điều này chứng tỏ, tiềm năng phát triển thương mại dịch vụ của thành phố rất cao. “Với mật độ kinh tế nêu trên, chắc chắn sẽ giúp thành phố trở thành trung tâm tiêu dùng ở Đông Á trong thời gian tới”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn chia sẻ.
Vị chuyên gia này lý giải thêm, dân số chính thức đạt ngưỡng 14 triệu dân, chiếm 13,5% dân số cả nước, tương đương với Tokyo, vượt Jakarta, lớn hơn nhiều so với các đô thị Đông Nam Á khác và chỉ sau những thành phố lớn của Trung Quốc. Dân số đông đang tạo nên một thị trường tiêu dùng nội địa khổng lồ, đa tầng cho thành phố.
“Đáng lưu ý, tầng lớp trung lưu của TP Hồ Chí Minh chiếm 38 – 40% dân số. Tầng lớp này làm chắc chắn sẽ làm thay đổi tiêu dùng của thành phố”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn dẫn chứng thêm, xét về quy mô kinh tế, thành phố đạt tới khoảng 120 tỷ USD GRDP, tương đường 23,5 GDP cả nước. Điều này khẳng định vai trò đầu tàu và trung tâm tích tục kinh tế hàng đầu Việt Nam.

“Thành phố phải đi mạnh, đi nhanh tạo sức cầu lớn cho cả nước. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có kết nối tốt về hạ tầng thương mại vì dịch vụ logistics hiện nay không đáp ứng được”, ông Tuấn chỉ rõ yếu điểm phát triển thương mại, bán lẻ.
Theo ông Tuấn, thành phố có hơn 400 chợ truyền thống, siêu thị khoảng 350 siêu thị và các trung tâm thương mại nhưng vẫn không nhiều. Ngoài ra, làm sao phải hoàn thiện thể chế để tránh được những khó khăn về cơ chế chính sách, hạ tầng,...
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn
Thông tin tại tọa đàm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, thành phố đã và đang giữ vai trò đầu tàu, chiếm hơn 20% tổng mức bán lẻ cả nước, đóng góp lớn cho kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Lãnh đạo ngành công thương thành phố khẳng định, thời điểm hiện nay, thành phố đang bước vào một giai đoạn phát triển mới. Việc mở rộng không gian phát triển, vận hành mô hình đô thị đa trung tâm không chỉ đơn thuần là điều chỉnh cơ học về mặt hành chính. Đây chính là cơ hội nâng tầm vị thế thành phố trên bản đồ kinh tế Đông Nam Á.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thành phố chủ động đổi mới mô hình tăng trưởng, xác lập vai trò trung tâm về tài chính, sản xuất, thương mại, logistics và đổi mới sáng tạo trong khu vực, với mục tiêu xuyên suốt là phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Mặc dù đặt ra mục tiêu phát triển khá cao, song ngành công thương thành phố cũng nhìn nhận, ngành thương mại – dịch vụ vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn như: hạ tầng thương mại phát triển thiếu đồng bộ; chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối thiếu liên kết, chuyển đổi số còn chậm; thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng thiếu gắn kết với logistics, sản xuất và phân phối truyền thống.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, sắp tới ngành công thương thành phố xác định một số định hướng trọng tâm trong phát triển thương mại – dịch vụ giai đoạn mới.
Cụ thể, thành phố phát triển quy hoạch không gian thương mại – dịch vụ gắn với đô thị đa trung tâm, tận dụng lợi thế hướng biển, tăng cường kết nối vùng. Trong đó, ưu tiên hình thành các cụm trung tâm mua sắm - hậu cần - chợ đầu mối - logistics tại khu vực phía Nam (Nhà Bè, Cần Giờ cũ), phía Tây (Bình Chánh, Hóc Môn cũ), kết nối với các tuyến vành đai và cảng biển.
Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, lấy chợ truyền thống, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm trọng tâm chuyển đổi vận hành, quản trị, thanh toán và kết nối chuỗi cung ứng.

Theo ông Vũ, thành phố hướng đến tái cấu trúc chuỗi cung ứng các ngành hàng chiến lược (nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, điện máy...) theo hướng linh hoạt, chủ động thích ứng với biến động thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo khả năng cung ứng ổn định, bền vững.
Tập trung đầu tư phát triển mạnh hạ tầng thương mại - logistics thông minh, đồng bộ. Tăng cường đầu tư vào các trung tâm phân phối, kho vận hiện đại, sàn giao dịch điện tử, kết nối chặt chẽ với hệ thống giao thông đô thị và cảng biển; phát triển chuỗi logistics cảng biển thông minh, tận dụng lợi thế cảng trung chuyển Cần Giờ, tăng cường kết nối vùng và quốc tế.
Cuối cùng là thúc đẩy liên kết vùng, phát triển các mô hình chuỗi giá trị liên tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất – phân phối – tiêu dùng.