Mặt trận

Đổi mới giám sát, nâng tầm hiệu quả

Anh Vũ 12/07/2025 09:59

Những năm gần đây, hoạt động giám sát và phản biện xã hội được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La triển khai bài bản hiệu quả. Với tinh thần đổi mới, hoạt động giám sát đã đi vào thực chất, hướng trực tiếp đến những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

duoi(1).jpg
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát thi công tuyến đường nội bản trên địa bàn xã Thuận Châu (tỉnh Sơn La).

Chọn đúng vấn đề, sát thực tiễn

Năm 2025, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Sơn La đã chủ động bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của UBTƯ MTTQ Việt Nam để chọn nội dung giám sát, phản biện phù hợp thực tế địa phương. Từ cấp tỉnh đến cơ sở, các Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam đã hiệp thương thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để triển khai kế hoạch giám sát với nội dung tập trung, không dàn trải, trùng lắp.

Các nội dung giám sát đi thẳng vào những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm như trách nhiệm của UBND trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri và nhân dân, gắn với tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; công tác phòng, chống tham nhũng; triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...

Việc Mặt trận chủ động giám sát những vấn đề nổi cộm đã góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực dễ phát sinh mâu thuẫn như đất đai, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, từ đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền.

Tiếp tục đổi mới, nâng “chất” hoạt động giám sát, phản biện

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La Vi Đức Thọ, để hoạt động giám sát có hiệu quả, việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Mặt trận là yếu tố then chốt. Bởi vậy, các hội nghị tập huấn thường xuyên được tỉnh tổ chức nhằm nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng giám sát cán bộ Mặt trận các cấp. Ủy ban MTTQ tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhất là việc phổ biến các quy chế giám sát, chú trọng nhân rộng mô hình, cách làm hay, phù hợp với điều kiện địa phương. Từ đó, Mặt trận các địa phương đã chủ động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch giám sát, lựa chọn nội dung sát thực tiễn.

Từ năm 2024 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức 315 cuộc giám sát; các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì 7 cuộc giám sát. Ngoài ra Ban Thanh tra nhân dân tổ chức giám sát trên 400 cuộc, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tham gia giám sát 605/691 công trình, dự án ở xã, phường. Sau giám sát, nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai chính sách đã được Mặt trận chỉ rõ, kiến nghị khắc phục kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội.

Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội cũng được quan tâm với chất lượng ngày càng được nâng lên. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì tổ chức 11 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo quyết định quan trọng của UBND tỉnh liên quan đến quy định về giao đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trình tự thủ tục cho thuê đất… Thông qua các ý kiến phản biện của Mặt trận, nhiều quy định được điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân.

Để hoạt động giám sát và phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, ông Vi Đức Thọ cho rằng phải tiếp tục đổi mới về cách làm, tư duy và phương pháp tổ chức. Việc lựa chọn nội dung giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, chú trọng những vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thân của người dân. Đặc biệt, MTTQ các cấp cần phát huy vai trò của Ban Tư vấn, Tổ tư vấn, những chuyên gia có trình độ, am hiểu chuyên môn. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt hỗ trợ Mặt trận đề xuất những kiến nghị xác đáng, có cơ sở pháp lý và thực tiễn cao trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Anh Vũ