Chính trị

“Chốt” mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng lên 7,2%

Lê Bảo 12/07/2025 10:03

Ngày 11/7, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất khuyến nghị tăng lương tối thiểu vùng thêm 7,2% từ ngày 1/1/2026. Theo đánh giá, mức tăng và thời điểm tăng là phù hợp với giai đoạn hiện nay trong sự nỗ lực phát triển kinh tế của đất nước.

tren(2).jpg
Hội đồng Tiền lương quốc gia họp bàn về việc tăng lương tối thiểu sáng 11/7. Ảnh: L.H.

Đề xuất tăng từ ngày 1/1/2026

Tại phiên họp lần thứ hai này, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã xem xét phương án đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2026, với sự tham dự của đại diện 3 bên là người lao động, chủ sử dụng lao động, Bộ Nội vụ và chuyên gia kinh tế độc lập.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, sau một buổi sáng thảo luận với nhiều ý kiến và phương án khác nhau, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đi đến thống nhất, phương án khuyến nghị tăng lương tối thiểu vùng bình quân 7,2%.

Cụ thể, lương tối thiểu Vùng I tăng từ 4,96 triệu đồng/tháng lên 5,31 triệu đồng/tháng (tăng thêm 350.000 đồng); Vùng II tăng từ 4,41 triệu đồng/tháng lên 4,73 triệu đồng/tháng (tăng 320.000 đồng); Vùng III tăng từ 3,86 triệu đồng/tháng lên 4,14 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng); Vùng IV tăng từ 3,45 triệu đồng/tháng lên 3,7 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng). Thời điểm áp dụng mức lương mới, theo kiến nghị của Hội đồng là từ 1/1/2026.

Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá đây là tỷ lệ tốt, phù hợp với giai đoạn hiện nay. Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của đất nước, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và tăng trưởng kinh tế 8%.

Đời sống người lao động được cải thiện

Đề cập về mức đề xuất tăng 7,2%, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, mức đề xuất lương tối thiểu vùng tăng 7,2% từ 1/1/2026 đã đáp ứng được kỳ vọng của đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Mức tăng này đáp ứng được mong muốn của đoàn viên và người lao động cả nước, đồng thời cũng thể hiện tinh thần chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp (DN).

“Mức đề xuất tăng này cải thiện một phần đời sống của người lao động, vì trên thực tế bản thân các DN đã có mức lương nhìn chung cao hơn mức lương tối thiểu. Đây là mức lương tham khảo trước hết dành cho đối tượng là người lao động thuộc nhóm hưởng mức lương tối thiểu và nhóm khác cũng có thể được tham khảo để xây dựng mức lương” - ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Cũng theo ông Hiểu, mức đề xuất tăng trên sẽ tạo động lực để người lao động làm việc với tinh thần phấn chấn, cùng nỗ lực để cuối năm nay chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và từ năm sau trở đi thì có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Ông Hiểu khẳng định, sau khi Chính phủ có quyết định chính thức mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2026, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện và tuyên truyền người lao động đồng tình và ủng hộ để tiếp tục lao động có năng suất cao, chất lượng tốt, cùng phát triển DN để cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho hay, với mức tăng 7,2%, đa phần người sử dụng lao động đánh giá là mức tăng cao, thậm chí còn chút phân vân. Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương quốc gia đồng thuận cao, vì vậy, Hội đồng quyết định khuyến nghị với cơ quan có thẩm quyền phương án tăng lương tối thiểu vùng với mức 7,2%. Thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2026.

Theo ông Phòng, với mức tăng này, giới sử dụng lao động sẽ phải điều tiết lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyết tâm đẩy mạnh, nâng cao năng lực quản trị, phân công việc làm phù hợp, cũng như áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao điều kiện khác để đảm bảo các chỉ số phát triển của DN được duy trì. Qua đó, bảo vệ được số lượng việc làm và giữ chân người lao động, đặc biệt là những người lao động có tay nghề.

“Chúng tôi sẽ cùng với các doanh nghiệp (DN) vận hành các chương trình đào tạo theo hướng này, để DN đáp ứng được các yêu cầu mong muốn của chính DN, cũng như yêu cầu phát triển của nền kinh tế nước nhà” - Phó Chủ tịch VCCI thông tin.

Đại diện giới sử dụng lao động tái khẳng định, tới đây DN sẽ phải quyết tâm rất cao để đạt được mục tiêu này. “DN sẽ cần có những điều chỉnh phù hợp để nâng tầm việc giữ chân nhân nhân viên, phân công công việc và đàm phán, bảo vệ các hợp đồng, công việc, đảm bảo sự phát triển trong các giai đoạn tiếp theo của DN, nâng cao năng lực chi trả” - Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nói thêm.

Lê Bảo