Áp dụng hóa đơn điện tử kết nối cơ quan thuế: Hộ kinh doanh lo ngại
Phần lớn hộ kinh doanh tỏ ra lo ngại khi thực hiện hóa đơn điện tử từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP.

Cần thêm thời gian
Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ (Nghị định 70) có những sửa đổi liên quan đến nghĩa vụ sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền của hộ kinh doanh (HKD), cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên.
Theo ước tính của Cục Thuế (Bộ Tài chính), có khoảng 37.000 HKD đáp ứng tiêu chí này, do đó sẽ phải thực hiện nghĩa vụ sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Như vậy, các quy định của Nghị định 70 tác động lớn đến các chủ thể kinh doanh, trong đó có HKD, cá nhân kinh doanh và nhận được sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh.
Có đến gần 20 năm buôn bán phụ tùng ô tô, bà Nguyễn Thị Khánh Ly (chủ HKD Phạm Gia tại phường Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Chính sách thuế mới đang gây áp lực đối với các HKD chúng tôi”. Theo bà Ly, phần lớn các HKD trước đây đều quen với việc nộp thuế khoán. Mức thuế cố định hàng tháng không yêu cầu ghi chép sổ sách hay kê khai doanh thu chi tiết. Nay, theo Nghị định 70, tất cả các giao dịch phải có hóa đơn, mọi khoản thu đều cần kê khai, trong khi hạ tầng và năng lực của HKD chưa thể đáp ứng ngay lập tức.
“Hiện tại, 3 nhân lực ở cửa hàng tôi gần như chỉ loay hoay mỗi việc xuất hóa đơn sao cho đúng quy định mà vẫn chưa thích nghi được”- bà Ly nói và cho biết, một vấn đề khiến HKD đặc biệt lo lắng là việc xử lý hàng tồn kho và công nợ cũ. Với người kinh doanh lâu năm, không thể tránh khỏi việc có những khoản tồn, chưa thanh toán. Bây giờ nếu không có chính sách hỗ trợ HKD lo lắng có thể bị kiểm tra, truy thu.
Tâm lý lo ngại còn xuất phát từ việc nhiều HKD chưa rõ cách thức áp dụng chính sách mới. Bà Ly cho biết: Chúng tôi không dám dùng tài khoản ngân hàng để nhận chuyển khoản từ khách. Chỉ sợ sau này bị cơ quan thuế truy ngược lại sao kê, trong khi trước giờ toàn làm theo kinh nghiệm, không lưu chứng từ gì cả.
“HKD rất cần thêm thời gian để hiểu, điều chỉnh và làm quen. DN lớn được hỗ trợ thì HKD cũng nên được quan tâm. Nếu yêu cầu kê khai, thì phải đồng bộ, không thể để người làm, người không, sẽ mất công bằng” - bà Ly kiến nghị.
Chỉ 11% hộ kinh doanh hiểu rõ về nghĩa vụ thuế
Một kết quả điều tra khảo sát do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện đối với trên 1.400 HKD toàn quốc cho thấy, 94% HKD được khảo sát đã biết đến Nghị định 70. Tuy nhiên, chỉ có 11% HKD thực sự hiểu rõ nội dung và nghĩa vụ của mình.
Về hỗ trợ/hướng dẫn của cơ quan thuế địa phương, theo khảo sát, 51% số HKD cho biết chưa được liên hệ hoặc hướng dẫn từ cơ quan thuế địa phương. Khoảng 35% cho biết có nhận được hỗ trợ, nhưng ở mức độ “còn chung chung”. Chỉ có 14% khẳng định họ nhận được hướng dẫn “rất rõ ràng” từ cơ quan thuế địa phương.
Khảo sát về khó khăn, phản hồi từ các HKD chỉ ra rằng, gánh nặng lớn nhất là chi phí, với 66% dự kiến chi phí vận hành sẽ tăng. Cùng với đó, 56% và 64% HKD lần lượt dự báo doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm. Các khó khăn hàng đầu được chỉ ra là thiếu kiến thức, kỹ năng công nghệ (73%), sự phức tạp của thủ tục (53%) và gánh nặng tài chính.
Trong trường hợp chịu tác động tiêu cực, giảm quy mô là lựa chọn phổ biến nhất (63%) của HKD. Tạm ngừng hoạt động là phương án dự kiến tiếp theo, với 23% HKD lựa chọn. Chuyển sang loại hình khác được 11% các HKD cân nhắc. Một tỷ lệ rất nhỏ (3%) HKD cho biết họ dự kiến sẽ đóng cửa.
Để tháo gỡ, các HKD đề xuất cơ quan thuế đơn giản hóa thủ tục hành chính (59%), hỗ trợ tài chính như miễn, giảm thuế (57%) và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn miễn phí (53%). Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ chuyên biệt cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, mặc dù chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng chuyển đổi không thể chỉ đến từ mệnh lệnh hành chính, mà cần được xây dựng trên cơ sở hiểu biết, đồng thuận và hỗ trợ lẫn nhau. Điều này đòi hỏi sự minh bạch trong truyền thông chính sách, sự linh hoạt trong triển khai và đặc biệt là sự thấu cảm với những khó khăn mà HKD đang trải qua.
HKD là một lực lượng quan trọng, linh hoạt và năng động của nền kinh tế nhưng cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi chính sách thay đổi. Đa số họ là các hộ nhỏ lẻ, hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ với nguồn lực hạn chế và trình độ công nghệ còn thấp. Do vậy giới chuyên gia cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ thích đáng, nhóm này sẽ gặp nhiều khó khăn, tác động không nhỏ đến sinh kế của hàng triệu người dân và tiềm năng phát triển thành DN trong tương lai.