Sông Âm sạt lở, người dân bất an
Bờ sông Âm, đoạn chảy qua xã Kiên Thọ (tỉnh Thanh Hóa) hiện đang bị sạt lở, ăn sâu vào đất liền gần 30m, khiến nhiều hécta đất, hoa màu của người dân dân bị chìm xuống sông.

Những ngày đầu tháng 7, dọc bờ sông Âm (đoạn qua thôn Chu, xã Kiên Thọ) là một khung cảnh bất an khi bãi ngô mới bén rễ của người dân bị dòng nước cuốn đi cùng cả lớp đất màu. Những vạt cỏ voi mọc xanh tốt, nay chỉ còn lại một phần, cố bám víu vào phần đất đang chực chờ rơi xuống sông.
Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở tại đây bắt đầu từ cuối năm 2024, khi cơn bão số 3 và 4 quét qua gây mưa lớn, khiến lũ trên sông Âm dâng cao. Tình hình trở nên nghiêm trọng khi vài tháng trở lại đây, dòng chảy liên tiếp có nhiều thay đổi. Theo UBND xã Kiên Thọ, gần 1 năm qua, bờ sông đã bị lấn sâu vào 30m, cung sạt dài gần 300m, nuốt gần 7ha đất bãi bồi, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của 17 hộ dân trong vùng. Những bãi bồi từng trồng ngô, khoai, lạc rất màu mỡ, phì nhiêu thì nay chỉ còn trơ lại mép đất nứt nẻ, từng mảng lớn sụt xuống tạo thành hàm ếch.
Anh Hà Đình Mạnh (trú thôn Chu), có đất canh tác nằm trong phạm vi sạt lở cho biết: Nhiều năm trước, gia đình thầu hơn 1.600m2 đất bãi bồi ven sông để trồng ngô, nhưng tới nay, đất đã bị “hà bá” nuốt gần hết. "Gần 1 năm qua, đất cứ tụt dần, tụt dần như bị ai đó xúc từng gàu đổ xuống sông vậy. Trước đây, khi bờ sông còn ổn định, mỗi vụ trồng ngô, lạc cũng lãi được vài triệu đồng, có cái để trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà. Nhưng giờ, đất bị mất gần hết, không biết tới đây mấy miệng ăn trong nhà sẽ phải trông chờ vào đâu” - ông Mạnh nói.
Cùng chung hoàn cảnh như ông Mạnh, ông Lê Thái Quế (trú thôn Chu, xã Kiên Thọ) cho biết: Trước đây, bãi bồi nhà ông có diện tích hơn 1.000m2, nhưng nay chỉ còn khoảng 300m2 đất có thể canh tác. “Giờ còn cây ngô nào trên bãi thì mình ráng chăm sóc, thu hoạch để gỡ vốn chứ đến năm sau, không biết là có nên làm nữa không, vì bờ sông cứ lở từng ngày, đầu tư vào là mất hết” - ông Quế trầm tư nói.
Trước thực trạng trên, ngày 26/6 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực địa dọc bờ sông Âm, nơi xảy ra tình trạng sạt lở. Qua khảo sát ban đầu, Sở NNMT xác định, bờ tả sông Âm (đoạn qua xã Kiên Thọ) hiện đang bị sạt lở với chiều dài khoảng 300m, ăn sâu vào bờ khoảng 30m, nhiều đoạn dựng đứng thành vách cao từ 3 - 4m, cách khu dân cư gần nhất 300m.
Theo báo cáo của Sở NNMT tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân khiến dòng sông Âm (đoạn chảy qua xã Kiên Thọ) bị sạt lở là do đoạn sông này bị cong, dòng chủ lưu hướng thẳng và áp sát sang phía bờ tả. Cùng với đó, do bãi bồi ven sông được tích tụ từ quá trình hình thành phù sa, cát nên có tính kết dính kém. Thời điểm tháng 9/2024, Thanh Hóa cũng chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3 và số 4 nên tình trạng sạt lở ngày càng lan rộng và phức tạp.
Để khắc phục tình trạng này, trước mắt, Sở NNMT tỉnh Thanh Hóa giao UBND xã Kiên Thọ thực hiện ngay các biện pháp gia cố theo phương châm bốn tại chỗ; huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tiến hành các biện pháp kỹ thuật (như sử dụng cụm cành cây, rọ đá lái dòng chảy ra xa bờ; dùng phên tre, nứa liên kết thành mảng kết hợp cọc tre gia cố cung sạt lở...) để hạn chế sạt lở lan rộng. Cùng với đó, địa phương phải lập rào chắn, cắm biển cảnh báo không cho người, vật nuôi đi vào khu vực sạt lở, đồng thời tuyên truyền, cảnh báo rộng rãi về vị trí sạt lở tới nhân dân.
Về lâu dài, Sở NNMT tỉnh Thanh Hóa giao UBND xã Kiên Thọ tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến tình trạng sạt lở để có đánh giá cụ thể, toàn diện về những ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của nhân dân, từ đó, xây dựng phương án chống sạt lở, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Sở NNMT đề nghị Sở Tài chính phối hợp, chủ trì trên cơ sở nguồn lực hiện có, đánh giá cụ thể sự cần thiết, mức độ ưu tiên đầu tư để từ đó tham mưu, báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa bố trí kinh phí xử lý sạt lở tại khu vực nêu trên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại đoàn kết, ông Lê Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Kiên Thọ cho biết: Đối với các nhiệm vụ mà Sở NNMT giao, UBND xã đã và đang triển khai, trong đó, trọng tâm là tuyên truyền, đặt biển cảnh báo người dân không đi vào vùng sạt lở. “Hiện nay, bờ sông Âm đoạn chảy qua xã đang bị lở, và phía đối diện là Thường Xuân thì đang bồi. Ở quanh khu vực này, không có mỏ cát nào cả nên nguyên nhân có lẽ đến từ tự nhiên. Sau khi ổn định bộ máy mới, xã sẽ đánh giá toàn diện, xây dựng phương án chống sạt lở để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định” - ông Cường nhận định.