Mặt trận chung tay ‘gỡ khó’ cùng chính quyền địa phương 2 cấp
Những ngày đầu khi chính quyền cấp xã mới vận hành, lãnh đạo MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đến từng địa bàn, kiểm tra hoạt động tại trung tâm phục vụ hành chính công (HCC) để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân, tận thấy và lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, công chức. Góp nhặt những ý kiến xác đáng từ cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Hà Tĩnh sẽ xây dựng chuyên đề giám sát cụ thể.

Phục vụ nhân dân từ những điều nhỏ nhất
Để nắm bắt được đúng vấn đề trọng tâm, ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và thành viên Ban Dân chủ - Giám sát – Phản biện tiếp cận các trung tâm phục vụ HCC cấp xã. Bởi đây là nơi thể hiện rõ nhất việc chính quyền có phục vụ, có phụng sự nhân dân hay không và những ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp, khó khăn, bất cập cũng bộc lộ ở đây đầu tiên.
Đến trung tâm phục vụ HCC xã Đông Kinh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh ân cần hỏi thăm người dân đến làm thủ tục hành chính. “Có sự hỗ trợ, hướng dẫn của lực lượng thanh niên tình nguyện nên tôi làm hồ sơ nhanh hơn, thuận tiện hơn” – một người dân xã Đông Kinh chia sẻ.
Người dân đến giao dịch tại trung tâm phục vụ HCC xã Thạch Xuân cũng bày tỏ sự hài lòng thông qua cách thức tiếp đón, xử lý các giao dịch của cán bộ, công chức. “Các giao dịch hành chính, nhất là thủ tục đất đai giờ xử lý ngay ở cấp xã vừa thuận tiện vừa nhanh chóng, hiệu quả. Cán bộ gần dân, thân thiện, qua đây tôi thấy công tác cải cách hành chính của địa phương đã cải thiện rất nhiều” - ông Nguyễn Văn Quế vừa làm xong hồ sơ, hồ hởi nói.
Không những quan tâm việc tiếp nhận, thụ lý, xử lý thủ tục hành chính, lãnh đạo Mặt trận Hà Tĩnh còn quan tâm đến cơ sở vật chất phục vụ người dân. Đặc biệt là thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. “Hành chính phục vụ là phục vụ từ những điều nhỏ nhặt nhất, thiết yếu nhất đối với bà con nhân dân. Chúng ta phải thực hiện đúng nghĩa thực sự như khẩu hiệu “4 xin” và “4 luôn” đã ghi rõ ở trung tâm phục vụ HCC đó là: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ” - ông Trần Nhật Tân nhấn mạnh.
Trung tâm phục vụ hành chính công xã Thạch Xuân còn chật hẹp, thiếu trang thiết bị, lại phải vận hành trên hai trụ sở cách nhau gần 8km. Chia sẻ với khó khăn của địa phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng xã cần chủ động, sáng tạo khắc phục, đảm bảo phục vụ tốt người dân”.
Lắng nghe tiếng nói từ cơ sở
Ông Trần Hữu Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Đông Kinh cho biết: Vấn đề thiếu công chức chuyên môn đang là gánh nặng của xã. Hiện nay, trung tâm phục vụ HCC mới vận hành, người dân đến giao dịch còn ít nên vẫn đáp ứng được yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, sắp tới, nếu công chức chuyên môn không đủ sẽ làm gián đoạn hoạt động của trung tâm.
Tương tự, xã Thạch Xuân cũng đang thiếu công chức chuyên môn và đề án vị trí việc làm chưa phù hợp, cần phải điều chỉnh. “Xã Thạch Xuân có 39ha đất rừng, gần 70ha đất nông nghiệp nhưng không có công chức phụ trách lĩnh vực nông lâm nghiệp là một vấn đề bất cập và tăng thêm áp lực cho công chức chuyên môn” – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân Nguyễn Văn Duy nói.
Đối với khối Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, hiện nay vẫn tiếp tục sắp xếp, tinh giản biên chế. Quy định, hướng dẫn của cấp trên, mỗi tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội chỉ có 1 biên chế cấp phó bán chuyên trách, vì vậy sẽ dôi dư nhiều cán bộ bán chuyên trách. “Xã Đông Kinh sáp nhập từ 3 xã nên mỗi tổ chức đoàn thể có 3 người, 5 tổ chức đoàn thể có 15 người, trong khi chỉ sắp xếp, bố trí được 5 người. Vì vậy, các cán bộ bán chuyên trách hiện nay đang rất tâm tư bởi họ không biết sẽ đi đâu về đâu” – ông Đặng Quang Bắc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông Kinh bày tỏ.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc của các địa phương, bước đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp thuận lợi, hiệu năng, hiệu quả, được đa số người dân hài lòng, tin tưởng. Sau khi lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của chính quyền địa phương 2 cấp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và đoàn công tác luôn trăn trở, sẻ chia và sẽ đồng hành cùng cơ sở, đề xuất phương hướng, giải pháp “gỡ khó” cho địa phương. Trước mắt, ông Trần Nhật Tân đề nghị, các xã Đông Kinh, Thạch Xuân cần bố trí công chức có kinh nghiệm về tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại trung tâm phục vụ HCC để đảm bảo vận hành thông suốt tại “cửa ngõ” của xã. Rà soát hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị và các dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân để có phương án thay đổi phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của người dân khi đến giao dịch.
“Lãnh đạo xã cũng phải nghĩ đến phương án đào tạo cán bộ, công chức phù hợp để sắp xếp, bố trí tại trung tâm phục vụ HCC phòng khi công chức nghỉ đột xuất, tránh bị động, gián đoạn hoạt động của trung tâm” - ông Tân nói. Đối với cán bộ bán chuyên trách dôi dư, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đề nghị địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ. Một mặt ghi nhận đóng góp của cán bộ nhưng cũng cần thẳng thắn trao đổi để cán bộ hiểu, từ đó đồng hành cùng địa phương. Vấn đề thiếu công chức chuyên môn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh sẽ có trách nhiệm ghi nhận cụ thể từng địa phương và đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy và các sở, ngành liên quan để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho địa phương. Để đảm bảo hoạt động của địa phương trong lúc thiếu nhân sự lúc này, ông Tân đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy xã phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết, linh động trong sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức nhưng cũng phải đảm bảo nguyên tắc đúng người, đúng việc.
“Nếu nhận được bất cứ phản ánh nào của người dân về việc cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân, chúng tôi sẽ kiến nghị kiên quyết kỷ luật, thay thế ngay lập tức” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân nói.