Kinh tế

“Thủ phủ tôm” trước cơ hội lớn

Nguyên Du 13/07/2025 09:00

Cà Mau từ lâu đã có nhiều thuận lợi phát triển thủy sản, nay sáp nhập với Bạc Liêu có nhiều lợi thế, diện tích nuôi trồng rộng lớn và sự đầu tư mạnh mẽ vào khoa học - công nghệ. Tỉnh Cà Mau (mới) sẽ tiếp tục phát huy vị thế dẫn đầu là “thủ phủ tôm” của cả nước.

Ảnh 2. Cà Mau tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm.
Cà Mau tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Ảnh: Phan Thanh Cường.

Phát huy tối đa thế mạnh ngành tôm

Sau hợp nhất, Cà Mau hiện đang giữ vai trò đầu tàu trong phát triển ngành tôm với diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 450.900ha, sản lượng tôm tiếp tục dẫn đầu cả nước khoảng 566.000 tấn, trở thành nơi có vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, giảm tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu quy hoạch.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng này, tỉnh đã và đang tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, áp dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị bền vững và mở rộng liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức để thúc đẩy phát triển ngành hàng tôm một cách toàn diện, hiệu quả.

Các mô hình nuôi tôm hiện nay đa dạng với các loại hình chủ lực như: nuôi công nghiệp (bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh), quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng và quảng canh kết hợp. Đáng chú ý, mô hình quảng canh cải tiến và siêu thâm canh ngày càng thu hút sự quan tâm bởi hiệu quả vượt trội. Đến nay, diện tích nuôi tôm theo chuỗi liên kết, quảng canh cải tiến đã đạt khoảng 226.000ha, năng suất trung bình đạt 550 kg/ha/năm.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện- Giám đốc Sở Công thương Cà Mau, trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tỉnh Cà Mau ước đạt 1.153 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1.041 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ, chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước (5.113 triệu USD). Dự ước kế hoạch xuất khẩu năm 2025 đạt 2.600 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2.430 triệu USD, tăng 7% so với năm 2024.

Một trong những điểm sáng trong phát triển ngành tôm Cà Mau là sự chủ động của các hợp tác xã trong việc xây dựng vùng nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó mô hình nuôi tôm sinh thái – mô hình nuôi tôm kết hợp bảo vệ môi trường rừng ngập mặn – là một trong những điểm sáng của tỉnh. Không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mô hình này còn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như ASC, Glob-alGAP, giúp tôm Cà Mau có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU và Nhật Bản.

Hợp tác xã Chế biến Thương mại Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Cái Bát ở ấp Cái Bát, xã Tân Hưng là một trong những mô hình điển hình khi được cấp chứng nhận ASC – một trong những tiêu chuẩn quốc tế nuôi thủy sản nghiêm ngặt nhất hiện nay.

Ông Nguyễn Hoàng Ân - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Cái Bát chia sẻ: “Với diện tích sản xuất trên 330ha, ngoài sản xuất theo mô hình cấp chứng nhận ASC, hiện nay chúng tôi chuyển hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng thị trường khắt khe như hiện nay. Chúng tôi luôn xác định vùng nuôi là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm. Việc xây dựng thương hiệu con tôm sạch, có truy xuất nguồn gốc, đạt chuẩn quốc tế là con đường tất yếu nếu muốn chinh phục thị trường trong và ngoài nước”.

Giữ vững vị thế dẫn đầu

Mặc dù có nhiều lợi thế, ngành tôm Cà Mau cũng đối mặt với không ít thách thức. Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, dịch bệnh và biến động giá cả là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến sản xuất tôm.

Bên cạnh đó, rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe, đòi hỏi ngành tôm phải không ngừng nâng cao chất lượng và đổi mới công nghệ. Nguồn vốn đầu tư cho nuôi tôm vẫn là bài toán khó khi người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng do thiếu tài sản đảm bảo và phương án khả thi. Tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên tôm ngày càng phức tạp cũng khiến nhiều hộ nuôi e ngại đầu tư mở rộng.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Văn Diệu-Giám đốc Công ty TNHH Thái, nhận định: “Tôm Cà Mau có lợi thế cạnh tranh nhờ sản phẩm giá trị gia tăng và chất lượng cao, giúp duy trì thị phần tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngành tôm hiện đối mặt thách thức lớn từ dịch bệnh và chi phí sản xuất cao so với các quốc gia như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan”.

Vì vậy, theo ông Diệu, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần đáp ứng nhiều chính sách và quy định, bao gồm yêu cầu về an toàn thực phẩm, chứng nhận, kiểm dịch và các quy định cụ thể của từng thị trường nhập khẩu. Điều này đảm bảo sản phẩm thủy sản đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và hợp pháp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu và mở rộng thị trường”.

Nhận diện sớm để kịp thời ứng phó

anh-9.-ong-nguyen-chi-thien-giam-doc-so-cong-thuong-ca-mau-chia-se-nhung-kho-khan-thach-thuc-thu-phu-nganh-tom-tim-giai-phap-nang-suat-canh-tranh-xuat-khau-tom(1).jpg
Ông Nguyễn Chí Thiện.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện – Giám đốc Sở Công thương Cà Mau, bên cạnh những lợi thế, xuất khẩu thủy sản của Cà Mau cũng đối mặt không ít thách thức như: xung đột ở một số nước, cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu, các biện pháp bảo hộ thương mại, rào cản thương mại, phòng vệ thương mại, các chính sách thuế quan,...

Vì vậy, Sở thường xuyên, chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ như theo dõi sát tình hình thị trường nhập khẩu thủy sản các nước lớn, việc đàm phán với các nước lớn; quán triệt triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về ứng phó với chính sách thuế mới của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Nhất là, theo dõi, nắm tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó kịp thời hỗ trợ, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, tháo gỡ những khó khăn cho xuất khẩu thủy sản.

Sở Công thương cũng đã triển khai đến các hiệp hội, doanh nghiệp trong việc chủ động theo dõi, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình thị trường để có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, phương án ứng phó. Đồng thời thận trọng với nguồn nguyên liệu đầu vào, đặc biệt từ các nước lớn áp thuế để tránh nguy cơ bị điều tra về gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh thuế quan.

Nguyên Du