Bác sĩ của những đứa trẻ đặc biệt
Từ ánh mắt ngơ ngác, lảng tránh đến những tiếng “mẹ ơi” đầu tiên được cất lên sau tháng ngày can thiệp, đó là hành trình hồi sinh đầy nỗ lực mà bác sĩ Nguyễn Thị Hà cùng các y, bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã bền bỉ đồng hành với những đứa trẻ tự kỷ.

BSCKI Nguyễn Thị Hà hiện là Phó Trưởng khoa Nội Nhi, phụ trách Đơn vị Phục hồi chức năng Nhi khoa, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh. Với bác sĩ Hà, mỗi ngày làm việc thường được bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc chiều muộn. Dù mưa hay nắng, phòng trị liệu nhỏ nơi góc bệnh viện vẫn đều đặn vang lên những tiếng ê a, tiếng gọi bập bẹ, những bước chân tập đi lẫm chẫm… Đó là kết quả của các liệu trình được thiết kế riêng theo tình trạng từng trẻ, từ trị liệu vận động, ngôn ngữ, giác quan đến âm nhạc, dưỡng sinh, tâm lý.
“Mỗi thay đổi của trẻ đều có sự góp sức rất lớn từ tập thể. Chúng tôi, những y bác sĩ, kỹ thuật viên đều coi mỗi ánh mắt biết cười, mỗi tiếng gọi “mẹ” là phần thưởng đáng giá nhất”, bác sĩ Hà nói.
Tại đơn vị do bác sĩ Hà phụ trách, mỗi tháng có 300-350 trẻ được can thiệp, trong đó đa phần là trẻ chậm nói, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ và vận động. Mỗi ca điều trị thường kéo dài từ 5-7 đợt, mỗi đợt khoảng 3 tuần hoặc có thể lâu hơn. Hiệu quả điều trị không chỉ đến từ phác đồ, mà còn phụ thuộc nhiều vào sự hợp tác và đồng hành từ phía gia đình.
Với bao nhiêu năm điều trị cho các trẻ bị tự kỷ, trường hợp mà bác sĩ Hà nhớ nhất đó là bé N. Khi em đến bệnh viện không nói, không tương tác. Sau ba năm điều trị, bé đã biết trò chuyện, biết chơi cùng bạn và có thể theo học tại trường mầm non bình thường. “Mỗi khi nhìn thấy các em tiến bộ, tôi như được tiếp thêm năng lượng để gắn bó lâu dài với công việc này”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Ngoài công việc chuyên môn, bác sĩ Hà còn là người truyền cảm hứng cho các bậc phụ huynh, những người đồng hành không thể thiếu trong hành trình của trẻ. Bác sĩ Hà hiểu rõ tâm lý hoang mang, lo lắng của phụ huynh khi nhận tin con mình mắc bệnh tự kỷ, càng hiểu hơn những áp lực về tài chính, về tương lai của con mình. “Để can thiệp thành công là kết quả của sự phối hợp. Gia đình chính là điểm tựa quyết định”, bác sĩ Hà khẳng định.
Chị Phan Thị Hoài Phương (trú tại phường Thành Sen, tỉnh Hà Tĩnh) có con trai được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ, đã điều trị tại đơn vị hơn 4 tháng. Chị Phương kể: “Lúc mới vào, cháu lầm lì, không nói, né tránh mọi người. Nhờ bác sĩ Hà và đội ngũ y bác sĩ ở đây nhẹ nhàng, kiên trì, cháu đã biết gọi “mẹ”, biết ôm bố và hát theo nhạc. Chị Hà không chỉ điều trị cho con mà còn động viên tôi từng chút một. Với tôi, chị như người trong nhà”.
Không chỉ điều trị nội viện, bác sĩ Hà còn tổ chức các đợt sàng lọc tại trường mầm non, giúp phát hiện sớm trẻ có dấu hiệu chậm phát triển. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian can thiệp mà còn giảm gánh nặng tâm lý cho gia đình. Bên cạnh đó, chị còn chủ trì, tham gia nhiều đề tài nghiên cứu như: “Tỷ lệ hiện mắc và hiệu quả can thiệp rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ 18 - 60 tháng tại Hà Tĩnh”, “Đánh giá hiệu quả phục hồi chức năng vận động thô cho trẻ bại não”… Những công trình này góp phần chuẩn hóa quy trình điều trị, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong vai trò lãnh đạo chuyên môn, bác sĩ Hà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp trẻ. Với chị, kiến thức chuyên môn cần song hành với tình yêu nghề và sự thấu cảm. “Không ai hiểu trẻ bằng chính những người gắn bó với các em mỗi ngày. Chúng tôi phải kiên nhẫn thay trẻ nói lên điều các em chưa thể diễn đạt”- bác sĩ Hà chia sẻ.
Giữa bộn bề công việc, giữa những ánh mắt lặng câm và cả sự khước từ của trẻ nhỏ, bác sĩ Hà vẫn giữ nụ cười dịu dàng. Niềm tin trong chị được nuôi dưỡng từ những thay đổi nhỏ bé nhưng quý giá: một cái nắm tay, một ánh nhìn đáp lại, hay câu nói tưởng chừng không thể cất lên.
Với những bậc phụ huynh không may có con mắc phải căn bệnh tự kỷ, bác sĩ Hà không chỉ là bác sĩ giỏi về chuyên môn, mà còn là người mẹ, người gieo hy vọng, nối những chiếc cầu thầm lặng giữa thế giới riêng của trẻ và cuộc sống bên ngoài.