Giáo dục

Cẩn trọng với khóa trải nghiệm hè

Hàn Minh 14/07/2025 09:45

Những ngày vừa qua, thông tin về một khóa trải nghiệm mùa hè không giống như quảng cáo dù thu nhiều tiền của phụ huynh được cư dân mạng chia sẻ rầm rộ. Việc cảnh báo phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ tổ chức, chương trình, hoạt động của khóa trải nghiệm một lần nữa được đặt ra cấp thiết.

anh bai duoi
Khu vực nhà cộng đồng của Làng Háo Hức. Ảnh: LHH.

Nhiều năm trở lại đây nở rộ các khóa trải nghiệm hè như Học kỳ quân đội, Tập làm chiến sĩ… hoặc các khóa tu mùa hè tại một số ngôi chùa. Trong suốt thời gian tham gia trải nghiệm, trẻ em không được dùng điện thoại, máy tính để liên lạc về gia đình. Chính vì vậy, dù có các hình ảnh, video từ ban tổ chức cung cấp đến các phụ huynh trong suốt quá trình diễn ra trại hè thì phụ huynh cũng khó biết được chính xác tâm trạng, tâm lý của con em mình khi đó ra sao mà phải chờ đến khi kết thúc chương trình, đón con về mới biết rõ. Chính điều này đã khiến cho nhiều trại viên dù bị bạo lực học đường, có các phản ánh về điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn cũng “không biết kêu ai”.

Sự việc xảy ra tại khóa trải nghiệm thiên nhiên Làng Háo Hức với hơn 100 học sinh trong độ tuổi từ 5 - 15 tuổi vừa qua tại Thái Nguyên đang thu hút dư luận. Một phụ huynh chia sẻ con bị bắt nạt trong thời gian tham gia trại hè, không dám đi vệ sinh vì nhà vệ sinh quá bẩn, nổi mẩn ngứa toàn thân và hoảng sợ đến mức không muốn quay lại. Ngay sau đó, nhiều phụ huynh khác cũng lên tiếng trong nhóm của trại hè rằng con mình bị bệnh ngoài da sau chuyến đi trại hè, khu vệ sinh ở đây không đảm bảo…

Đặc biệt là cách đại diện của Làng Háo Hức phản hồi lại các ý kiến này, thay vì xin lỗi thẳng thắn và tìm ra những điểm cần khắc phục thì lại đưa ra các lịch trình học tập phong phú, cho rằng trẻ chưa quen với môi trường nông thôn, luôn có y tế trực 24/7 và nhà vệ sinh cứ mỗi 2 giờ lại dọn một lần. Điều này khiến các bậc phụ huynh vô cùng bức xúc vì những tổn thương về thể chất và tâm lý của trẻ đã không được quan tâm, xoa dịu một cách kịp thời với thái độ cầu thị.

Không bàn đến những vấn đề khác, chỉ riêng việc phụ huynh bỏ tiền đăng ký cho con tham gia mô hình trại hè thiên nhiên này đều mong muốn trẻ học kỹ năng sinh tồn, tự lập và kết nối với thiên nhiên nhưng không có nghĩa là chấp nhận các điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, không đảm bảo chuẩn mực vệ sinh và an toàn tối thiểu. Và quan trọng nhất, sự an toàn của trẻ đã không được quan tâm đầy đủ, đúng mực khiến niềm tin vào các khóa trại hè đang bị lung lay.

Rõ ràng, một khóa học, một khóa trải nghiệm không vì chi phí đắt hay rẻ hơn mà thu hút nhiều người tham gia hơn. Thậm chí, nhiều khóa tu mùa hè không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào do các chùa tổ chức hàng năm vẫn thu hút hàng nghìn lượt trẻ tham gia nhưng đâu đó, vẫn có những phản hồi chưa thực sự hài lòng từ phía phụ huynh và các trại sinh.

Sự an toàn của hàng trăm học viên của mỗi trại hè không thể chỉ phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp của đơn vị tổ chức, càng không thể chỉ là những cam kết miệng, mà cần có sự đảm bảo về tính chuyên môn, tính pháp lý của chương trình. Đành rằng mỗi phụ huynh cần cẩn trọng tìm hiểu trước khi đăng ký trải nghiệm hè cho con, nhưng trong sự bùng nổ thông tin hiện nay, giữa thật giả khó phân biệt thì vai trò của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát theo các quy định pháp lý cụ thể, các chuẩn đánh giá rõ ràng là vô cùng cần thiết.

Hàn Minh