Văn hóa

Khoảng trống phía sau màn bạc

Phạm Sỹ 14/07/2025 10:35

Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây có nhiều khởi sắc với khoảng 40-50 phim ra rạp mỗi năm, trong đó không ít phim vượt mốc doanh thu trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, phía sau màn bạc lại là sự thiếu hụt một nguồn nhân lực trẻ được đào tạo chuyên sâu, sáng tạo có định hướng để hướng tới việc đóng góp, nâng tầm điện ảnh quốc gia…

dienanh1.jpg
Cảnh trong phim “Đèn âm hồn”. Ảnh: ĐPCC.

Phòng vé bùng nổ

Điện ảnh Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ, thể hiện qua sự gia tăng đáng kể cả về số lượng phim sản xuất lẫn sự đa dạng thể loại. Từ các tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa đến những bộ phim thương mại. Các nhà làm phim Việt đã và đang nỗ lực tiếp cận đa dạng đối tượng khán giả, bắt kịp xu hướng thị trường.

Đáng chú ý, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, thị trường điện ảnh nội địa đã lập nên cột mốc chưa từng có khi 9 bộ phim Việt đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng. Trong số này, một số tác phẩm còn cán mốc trăm tỷ chỉ sau vài ngày khởi chiếu, minh chứng cho sức hút ngày càng lớn của phim Việt trên thị trường nội địa.

Dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu hiện nay là bộ phim “Bộ tứ báo thủ” của Trấn Thành với số doanh thu ấn tượng 332 tỷ đồng. “Nhà gia tiên” của Huỳnh Lập khai thác đề tài tâm linh cũng trở thành hiện tượng phòng vé với 237 tỷ đồng. Trong khi “Nụ hôn bạc tỷ” tác phẩm hài tình cảm do Thu Trang sản xuất đã vượt mốc 211 tỷ đồng, gây bất ngờ cả về doanh thu lẫn độ phủ truyền thông…

Không chỉ riêng năm 2025, trước đó, năm 2024 cũng đã ghi nhận một giai đoạn bùng nổ về doanh thu phòng vé. Theo thống kê của Box Office Vietnam, tổng doanh thu điện ảnh Việt Nam từ ngày 1/1 đến 31/12/2024 đạt gần 4.700 tỷ đồng, một con số kỷ lục, cho thấy tiềm năng lớn của thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các phim ngoại nhập.

PGS.TS Vũ Ngọc Thanh - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM nhận định, những năm gần đây, sự kết hợp hai khuynh hướng nghệ thuật và giải trí được xem như một xu hướng đạt được hiệu quả nhất định trong nhiều bộ phim. Nhiều phim kết hợp hai khuynh hướng nghệ thuật và giải trí đã tạo cảm hứng, động lực nhất định đối với các nhà làm phim trẻ, đóng góp đáng kể vào sự sáng tạo nghệ thuật và sự phong phú, đa dạng của các thủ pháp điện ảnh...

“Khuynh hướng kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và thương mại, giải trí là bước tiến đáng kể của phim điện ảnh trên con đường tiếp cận kỹ thuật và nghệ thuật của điện ảnh quốc tế. Theo khuynh hướng đó, khi xây dựng kịch bản phim và kể chuyện, nhiều nhà làm phim đã chú ý đến bối cảnh và nhịp điệu để phát triển câu chuyện và áp dụng cấu trúc chuẩn giúp biên kịch, đạo diễn có thể kể lại và phát triển câu chuyện một cách hợp lý. Hơn nữa, việc áp dụng những kỹ thuật, trải nghiệm tốt trong kể chuyện như trong phim “Mai”, “Lật mặt”… khiến cho bộ phim gần gũi với khán giả và tạo ra doanh thu ấn tượng cho phòng vé” - PGS.TS Vũ Ngọc Thanh lý giải.

Khoảng trống về nhân lực trẻ

Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng ấy là sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu và tư duy nghề nghiệp hiện đại. Nhiều người tham gia làm phim theo kiểu “tay ngang”, chưa được trang bị nền tảng chuyên môn một cách hệ thống. Bên cạnh đó, điều kiện thực hành nghề nghiệp còn hạn chế, khiến họ khó tích lũy đủ trải nghiệm thực tế.

Nhiều đạo diễn cũng chia sẻ, điều khiến họ trăn trở không phải là sự thiếu nhiệt huyết ở thế hệ trẻ, mà là sự thiếu hụt một nền tảng đào tạo vững chắc để phát triển lâu dài. Ngành điện ảnh Việt vẫn đang thiếu một hệ thống đào tạo đạt chuẩn quốc tế, thiếu các quỹ hỗ trợ ổn định cho người trẻ theo đuổi nghề, và thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các khâu: đào tạo, sản xuất và phát hành phim.

PGS. TS Vũ Ngọc Thanh cho rằng, qua xem xét những khuynh hướng sáng tác phim điện ảnh cho thấy đã đến lúc cần tìm lời giải cho vấn đề: “Vì sao Việt Nam chưa xuất khẩu được văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng?”. Ông cho rằng, với phim điện ảnh, một trong những nguyên nhân của vấn đề nằm ở việc thiếu tài năng lớn, thiếu ý tưởng sáng tạo và những đội ngũ làm phim chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản.

Còn đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng, hiện nay thiếu vắng lớp đào tạo nhà sản xuất phim – một trong những khâu quan trọng của điện ảnh. Nhà sản xuất phim chính là người cần có hiểu biết sâu về thẩm mỹ điện ảnh, đồng thời sở hữu kỹ năng tài chính, tổ chức sản xuất và khả năng kêu gọi, thu hút nhà đầu tư.

“Có được các yếu tố đó họ mới có thể làm cầu nối hiệu quả giữa đạo diễn – người sáng tạo nghệ thuật và thị trường – nơi đánh giá hiệu quả kinh tế và sức lan tỏa của một bộ phim. Sự thiếu hụt lực lượng nhà sản xuất chuyên nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm mà còn là rào cản trong việc phát triển nền công nghiệp điện ảnh bền vững tại Việt Nam” – vị đạo diễn chia sẻ.

Điện ảnh là lĩnh vực kết tinh giữa sáng tạo nghệ thuật và kỹ thuật công nghiệp, mà yếu tố con người đóng vai trò trung tâm. Đã đến lúc Việt Nam cần coi đầu tư cho đào tạo nhân lực điện ảnh không phải là chi phí, mà là chiến lược dài hạn để xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh bền vững – nơi mỗi bộ phim không chỉ là sản phẩm giải trí, mà còn là sứ giả văn hóa mang bản sắc Việt ra thế giới.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, cần tăng cường phổ cập kiến thức điện ảnh vào nhà trường, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo điện ảnh để góp phần “ươm mầm tài năng” và dần hình thành nên những thế hệ khán giả mới có kiến thức và thói quen thụ hưởng nghệ thuật, phim ảnh đúng đắn. Bên cạnh đó, cần tạo cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh quốc gia nguồn chi thường xuyên để hỗ trợ các tài năng điện ảnh, các dự án làm phim có triển vọng làm nên những tác phẩm chất lượng.

Còn theo Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải, việc nâng cao chất lượng của các bộ phim liên quan mật thiết đến quy trình đào tạo, giáo dục. Các trường lớp đào tạo cũng phải thấy sự cần thiết phải đổi mới, nâng cấp việc áp dụng những phương pháp làm phim, những quan niệm sáng tác mới cho các nhà làm phim để tăng cường khả năng cạnh tranh của phim Việt. Có thể nói, việc thiếu hụt lớp nhà sản xuất trẻ, chuyên nghiệp đang đặt ra thách thức lớn cho nền điện ảnh Việt Nam nếu muốn hướng tới sự phát triển bền vững và hội nhập với quốc tế.

Phạm Sỹ