Gấp rút ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
Thông tin từ Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, từ đầu năm đến nay, tại các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Bắc xảy ra 386 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 15 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập). Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 22.026 con. Riêng tại khu vực phía Bắc vẫn còn 212 ổ dịch chưa qua 21 ngày...
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngành chức năng, chính quyền địa phương đang gấp rút vào cuộc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Gian nan vì dịch tả lợn châu Phi
Đầu tháng 7 vừa qua, chỉ sau một tuần, nhà ông Nguyễn Văn Chức ở xóm Gốc Gạo, xã Bình Xuyên, Phú Thọ đã mất trắng cả cơ nghiệp khi đàn lợn gần 50 con sắp sửa cho xuất chuồng cùng 2 lứa lợn con bị chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi.
“Triệu chứng dịch bệnh đến rất nhanh. Ngay khi phát hiện trong đàn có lợn mắc dịch tôi đã nhanh chóng cách ly. Tuy nhiên chỉ 1 tuần sau đó, cả đàn lợn đều bị dính bệnh buộc phải tiêu hủy. Năm nay giá lợn cao hơn năm ngoái, nông dân ai cũng vui mừng vì chăn nuôi lợn bắt đầu có lãi sau gần 2 năm giá lợn rớt thê thảm. Vậy mà chỉ trong vòng một tuần cả cơ nghiệp của gia đình đã bị dịch bệnh cướp đi hết” - ông Chức buồn bã cho biết.
Không chỉ riêng hộ gia đình ông Chức, nhiều hộ nuôi lợn ở xóm Gốc Gạo cũng chung tình trạng một con lợn bị mắc, cả đàn lợn chết theo khiến nhiều hộ gia đình lao đao.
Đến nay, nhiều hộ trong xóm Gốc Gạo đều bỏ trống chuồng trại vì dịch.

Tại xã Bình Xuyên, gia đình anh Hồ Minh Phương vừa bán được 50 con lợn với giá xuất chuồng 70.000 đồng/kg lợn hơi. Với giá bán này trung bình mỗi con lợn, gia đình anh Phương lãi từ 3 - 5 triệu đồng. Phấn khởi vì lợn được giá, anh Phương đã vào chuồng hơn 30 con lợn giống, mỗi con có trọng lượng hơn 20 kg. Tuy nhiên, nuôi chưa được một tháng cả đàn lợn đổ bệnh, chết sạch không còn con nào.
“Chăn nuôi nông hộ nhưng tôi đã chấp hành nghiêm quy chuẩn về an toàn vệ sinh dịch bệnh vật nuôi. Chuồng trại thường xuyên được khử khuẩn, vật nuôi thường xuyên được theo dõi và kịp thời cách ly khi trong đàn có lợn mắc bệnh. Dù vậy, vẫn không thể “cứu” được. Vậy là bao nhiêu vốn liếng, công sức chăm sóc của lứa lợn trước đã bị mất trắng. Cứ đà này từ giờ đến cuối năm chưa chắc gia đình đã dám tái đàn” - anh Phương chia sẻ.
Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ) cho biết, từ ngày 1 - 11/7, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 27 thôn, 11 xã, với tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy là 538 con, khoảng 34.526kg. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận dịch bệnh tả lợn châu Phi tại 13 xã, ảnh hưởng đến hơn 130 hộ chăn nuôi.
Hiện tại còn 11 xã chưa qua 21 ngày từ khi phát hiện ổ dịch cuối cùng – dấu hiệu cho thấy dịch bệnh vẫn đang âm ỉ và có khả năng bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Không riêng Phú Thọ, theo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết tính từ đầu năm đến nay, tại các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Bắc xảy ra 386 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 15 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập). Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 22.026 con (so với cùng kỳ năm trước số ổ dịch giảm 44%, số lợn chết và tiêu hủy giảm 60%). Tuy nhiên, hiện nay khu vực phía Bắc có 212 ổ dịch tại 11 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 17.438 con.So với từ đầu năm đến nay, số ổ dịch mới chiếm khoảng 55% (212/386 ổ dịch) và số lợn bệnh, chết và tiêu hủy chiếm tới 80% (17.438/22.026 con).
Đáng chú ý, cách đây hơn một tháng (ngày 4/6), khi dịch tả lợn châu Phi có xu hướng gia tăng trên phạm vi cả nước, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống và xử lý dứt điểm các ổ dịch. Đồng thời, Cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập hàng chục đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một số tỉnh. Song bệnh dịch tại nhiều tỉnh phía Bắc không những không giảm mà còn bùng phát thêm nhiều ổ dịch mới chưa qua 21 ngày. Đơn cử như Lạng Sơn có 118 ổ dịch xảy ra tại 1.867 hộ dân với tổng số lợn tiêu hủy 5.629 con. Cao Bằng có 43 ổ dịch xảy ra tại 1.474 hộ với tổng số lợn tiêu hủy 7.720 con. Tỉnh Điện Biên có 17 ổ dịch tại 272 hộ với tổng số lợn tiêu hủy 1.118 con.

Phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời nguy cơ dịch bệnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, hiện nay tại nhiều địa phương đã lập đoàn công tác kiểm tra, xác minh để phòng, chống dịch lây lan trong diện rộng.
Tại Phú Thọ, Chi Cục chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Phú Thọ đã thành lập Đoàn công tác kiểm tra, xác minh dịch bệnh; hướng dẫn địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở; chủ động phối hợp các địa phương khi nhận được thông tin có lợn bị ốm, chết xuống hỗ trợ lấy mẫu gửi xét nghiệm xác định bệnh. Cùng với đó, chủ động giám sát tới tận hộ chăn nuôi để phát hiện sớm, tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh dịch tả lợn châu Phi; kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan.
Phương châm là dịch xảy ra ở đâu thì phải xử lý triệt để ở đó theo đúng quy định; công bố dịch theo quy định của Luật Thú y (nếu đủ điều kiện) để huy động các nguồn lực, nhân lực tại chỗ nhằm khoanh vùng dập dịch, không để dịch lây lan diện rộng...
Tại Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, hiện nay đơn vị đang phối hợp với chính quyền cơ sở đảm bảo cung ứng đầy đủ hóa chất, triển khai thực hiện phun khử trùng, rắc vôi bột, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh theo đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục lấy mẫu giám sát và rà soát trên diện rộng các khu vực có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tuyệt đối nghiêm cấm việc giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết ra khỏi vùng dịch, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi để ngăn chặn nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh.
Theo Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Dương Tất Thắng, bên cạnh một số ổ dịch lớn xảy ra tại Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng, hầu hết các ổ dịch tả lợn châu Phi đều ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ. Các số liệu thống kê cho thấy, số ổ dịch, số thôn xã có dịch và tổng đàn lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm 2025 đến nay đều giảm so với cùng kỳ năm 2024.
Tiêm vaccine phòng bệnh vẫn là hướng đi đúng
Theo ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đã có nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh được đưa ra như vệ sinh, tiêu độc khử trùng, các giải pháp an toàn sinh học, tuy nhiên giải pháp then chốt để phòng, chống dịch chính là vaccine. Dẫn số liệu thống kê, ông Minh cho biết: Giai đoạn 2019-2020, số lượng vật nuôi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy là rất lớn. Nhưng từ năm 2023 đến nay, số ổ dịch đã giảm rõ rệt, chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng biện pháp an toàn sinh học. So với giai đoạn trước, số ổ dịch tả lợn châu Phi đã giảm 15%, số lượng tiêu hủy giảm khoảng 80% nhờ áp dụng các biện pháp phòng dịch, kiểm soát kịp thời.
Theo ông Minh, từ tháng 5/2022, sau khi Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép sử dụng vaccine tả lợn, hiện nay, các loại vaccine này đã được sử dụng toàn quốc. Trong đó, Việt Nam đã sản xuất 7 triệu liều vaccine từ lúc được cấp phép, hơn 4 triệu liều được cung cấp trên cả nước và hơn 1 triệu liều xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.
Liên quan đến phản ánh về sử dụng vaccine không hiệu quả, bà Nguyễn Thị Kim Lan - Tổng Giám đốc Công ty CP thuốc thú y Trung ương NAVETCO thông tin, một số trường hợp lợn chết sau khi tiêm vaccine có thể là do con vật đã nhiễm bệnh trước đó.
“Vaccine chỉ có tác dụng phòng bệnh, không phải thuốc điều trị” - bà Lan nhấn mạnh. Nếu người dân để lợn mắc bệnh rồi mới tiêm thì vaccine sẽ không phát huy tác dụng. Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh, người chăn nuôi cần tuân thủ các yêu cầu về an toàn sinh học, tiêm đúng đối tượng được chỉ định và thực hiện đầy đủ hướng dẫn của cơ quan quản lí nhà nước.
Tại cuộc họp mới đây bàn về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho hay, việc tiêm vaccine phòng, chống dịch tả châu Phi hiện vẫn là hướng đi đúng và cần tiếp tục mở rộng phạm vi, đối tượng để tiêm phòng. Tuy nhiên, trên thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine trên đàn lợn vẫn có một số bất cập. Thêm nữa, người dân chưa có niềm tin tuyệt đối vào vaccine; giá cao, dân vẫn mong ngóng ngân sách hỗ trợ. Chính vì vậy, bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh cần đẩy mạnh truyền thông để tăng niềm tin cho người dân về sử dụng vaccine.

Cục trưởng cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Dương Tất Thắng:
Thời gian tới, Cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một số tỉnh chăn nuôi lợn trọng điểm và các địa phương có dịch bệnh kéo dài. Bên cạnh đó, sẽ triển khai các chương trình giám sát nhằm phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời nguy cơ dịch bệnh. Dịch tả lợn châu Phi là mối đe doạ lớn, cần được chủ động phòng, ngừa hơn là điều trị. Do đó, cần tuyên truyền sâu rộng hơn để hướng dẫn bà con sử dụng vaccine đúng đối tượng, đúng quy trình. Trong đó, tiến hành kiểm tra, đánh giá đàn lợn trước khi tiêm để phát huy hiệu quả tối đa.