Hà Nội: Thúc đẩy mở rộng thị trường OCOP
Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước với hơn 3.400 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) được công nhận. Thời gian qua, thành phố nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, nâng sức cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, tính đến tháng 6/2025, toàn thành phố có 3.463 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng. Các chủ thể OCOP đã và đang nỗ lực đầu tư vào máy móc hiện đại, tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý rõ ràng.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP. Từ năm 2020 đến nay, hơn 110 điểm giới thiệu và bán hàng OCOP đã được thiết lập, giúp người tiêu dùng Thủ đô dễ dàng tiếp cận và nhận diện sản phẩm.
Cùng với đó, Thành phố thường xuyên tổ chức các hội chợ, tuần hàng, chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với các sự kiện văn hóa vùng miền. Hoạt động này giúp kết nối giao thương đồng thời mở rộng tệp khách hàng tiềm năng.
Ngoài hệ thống phân phối truyền thống, Hà Nội cũng tăng cường hợp tác với các tập đoàn bán lẻ lớn như AEON, Central Retail, Winmart, Hapro… để đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi. Nhiều chủ thể đã được tập huấn kỹ năng bán hàng, vận hành gian hàng số trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee, Tiki, Lazada… giúp sản phẩm đứng vững trên môi trường số.
Song vẫn còn nhiều sản phẩm OCOP chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn thương mại hiện đại. Không ít sản phẩm có bao bì đơn giản, thông tin chưa rõ ràng, thiếu mã truy xuất nguồn gốc, chưa đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm hay tiêu chuẩn quốc tế. Đây là rào cản lớn trong quá trình tiếp cận các kênh phân phối cao cấp và thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, phần lớn chủ thể OCOP là hộ cá thể, hợp tác xã quy mô nhỏ, còn hạn chế về năng lực quản trị, thiếu nhân sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực marketing, thiết kế, xây dựng thương hiệu. Dù có sản phẩm tốt nhưng việc quảng bá, định vị chưa hiệu quả khiến khả năng cạnh tranh bị hạn chế.
Để tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, trao đổi với báo chí, ông Ngọ Văn Ngôn - Phó chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ triển khai các chương trình tập huấn chuyên sâu về phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu và chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối sản xuất giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp, nhà phân phối để hình thành chuỗi giá trị bền vững và sản xuất theo đơn hàng.
Để mở rộng quy mô tiêu thụ, Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể mở rộng mạng lưới phân phối, gia tăng số điểm bán OCOP tại các đô thị và điểm đến du lịch, đồng thời hỗ trợ chi phí logistics, quảng bá trực tuyến và kiểm định chất lượng. Việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn, nâng cấp bao bì và ứng dụng mã hóa truy xuất nguồn gốc sẽ giúp sản phẩm OCOP tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tư duy thị trường cần trở thành kim chỉ nam trong phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn tới. Thay vì chạy theo số lượng, các chủ thể cần tập trung phát triển sản phẩm “đúng gu” khách hàng, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, có khả năng định vị thương hiệu rõ ràng. Chỉ khi sản phẩm thực sự chất lượng, thiết kế bắt mắt, có câu chuyện văn hóa riêng và xuất hiện đúng kênh phân phối, giá trị bền vững mới được khẳng định.