Kinh tế

Vẫn nhùng nhằng việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng

H.Hương 17/07/2025 08:15

Nhiều ngân hàng đề xuất cho phép doanh nghiệp (DN), tổ chức tín dụng sản xuất vàng miếng được thuê sản xuất, gia công vàng miếng ở nước ngoài.

Phát triển thị trường vàng công khai minh bạch là mong muốn của người dân. Tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều nội dung mới. Chẳng hạn DN được NHNN xem xét cấp giấy phép sản xuất vàng miếng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm: có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên; không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc nếu đã từng bị xử phạt thì phải hoàn tất các biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định; đồng thời phải có quy trình nội bộ quy định rõ về hoạt động sản xuất vàng miếng. Tương tự, ngân hàng thương mại cũng có thể được cấp giấy phép sản xuất vàng miếng nếu đáp ứng các tiêu chí: có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; vốn điều lệ đạt tối thiểu 50.000 tỷ đồng; không bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến kinh doanh vàng, hoặc nếu đã từng vi phạm thì phải thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan chức năng; có quy trình nội bộ quy định cụ thể về sản xuất vàng miếng.

Liên quan đến vốn điều lệ để được sản xuất vàng miếng, Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA) cho rằng quy định này quá chặt, số lượng các DN có mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng trở lên rất ít, chỉ từ 1-3 DN sản xuất kinh doanh vàng có thể đáp ứng được điều kiện này. Như vậy, thực chất với quy định này thì số lượng DN tham gia sản xuất vàng miếng không đáng kể.

VGTA cũng cho rằng không nên bổ sung tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Nguyên nhân là nếu tổ chức tín dụng được thực hiện hoạt động "sản xuất" thì sẽ mâu thuẫn và không phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng đơn giản hoá thủ tục đồng thời vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý. Cụ thể, tại Điều 14 dự thảo quy định, hoạt động nhập khẩu vàng miếng theo hướng kiểm soát nhiều tầng nấc, bao gồm: Giấy phép xuất nhập khẩu vàng; Hạn mức xuất nhập khẩu hàng năm; Giấy phép xuất nhập khẩu cho từng lần.

Về nội dung này, theo VCCI, giấy phép nhập khẩu vàng chỉ cấp cho các DN sản xuất vàng. Trong khi đó, các DN sản xuất vàng đã do NHNN cấp phép, quản lý chặt chẽ. Do đó, việc yêu cầu thêm một giấy phép xuất nhập khẩu riêng là không cần thiết, làm tăng thêm thủ tục, chi phí không cần thiết. Không chỉ có vậy, việc yêu cầu phải có giấy phép cho từng lần, trong khi đã khống chế hạn mức cả năm là không hợp lý. Bởi, trong bối cảnh thị trường vàng có nhiều biến động và chịu tác động mạnh từ yếu tố trong và ngoài nước, việc chờ cấp phép từng lần có thể khiến DN bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, giảm tính linh hoạt trong vận hành. Chưa kể, việc đồng thời yêu cầu các loại giấy phép nói trên sẽ tạo ra nhiều "giấy phép con", làm gia tăng thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Tương tự, Bộ Công an đánh giá dự thảo Nghị định đề cập nhiều hình thức giấy phép, nguy cơ xuất hiện cơ chế "giấy phép mẹ" tạo ra nhiều "giấy phép con". Cơ chế cấp hạn ngạch sản xuất vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo từng năm, từng lần dễ dẫn đến tiêu cực trong cấp phép, nguy cơ tập trung độc quyền sản xuất vàng miếng, nhập khẩu, phân phối vàng nguyên liệu vào nhóm đơn vị được cấp phép. Đồng thời, điều này sẽ gây khó khăn trong quản lý việc sản xuất, nhập khẩu vượt hạn mức và việc mua bán giấy phép/hạn ngạch, nếu thiếu cơ chế quản lý, giám sát, hậu kiểm chặt chẽ.

Tại bảng tổng hợp góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 24 các ngân hàng ACB, Eximbank, BIDV, Vietinbank, MBBank đề nghị bổ sung quy định về thuê gia công sản xuất vàng miếng.

Theo đó, các ngân hàng đề nghị bổ sung, các DN, tổ chức tín dụng được cấp giấy phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu được phép thuê gia công sản xuất vàng miếng tại DN, tổ chức tín dụng được NHNN cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng.

Các tổ chức tín dụng đề nghị NHNN làm rõ khái niệm hoạt động "sản xuất vàng miếng" là DN, tổ chức tín dụng được cấp giấy phép sản xuất vàng miếng (bên được cấp phép) phải trực tiếp sản xuất vàng miếng hay có thể thuê hoặc giao cho DN, tổ chức tín dụng khác để sản xuất ra vàng miếng và bên được cấp phép vẫn chịu trách nhiệm đối với việc sản xuất vàng miếng này.

Các ngân hàng đề xuất cho phép DN, tổ chức tín dụng sản xuất vàng miếng được thuê sản xuất, gia công vàng miếng ở nước ngoài.

Giải trình về vấn đề này, NHNN cho biết Điều 178 Luật Thương mại 2005 quy định "gia công trong thương mại là hoạt động thương mại... để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao".

Dự thảo Nghị định quy định các DN, ngân hàng thương mại được phép sản xuất vàng miếng có trách nhiệm: Công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng, hàm lượng của sản phẩm theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn khối lượng, hàm lượng sản phẩm đã sản xuất đúng với tiêu chuẩn khối lượng, hàm lượng đã công bố. Đồng thời, chịu hoàn toàn trách nhiệm về sản phẩm vàng miếng do mình sản xuất, bảo hành sản phẩm vàng miếng cho khách hàng theo quy định pháp luật; lưu trữ đầy đủ, chính xác dữ liệu vàng miếng được sản xuất.

Như vậy, các DN, ngân hàng thương mại chịu hoàn toàn trách nhiệm về vàng miếng do mình sản xuất, thuê gia công và phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng, hàm lượng vàng miếng do mình sản xuất, thuê gia công.

H.Hương