Cảnh đìu hiu ở ngôi chợ lớn nhất Hà Tĩnh
Từng được kỳ vọng mở rộng không gian kinh doanh, tuy nhiên đến nay, khu vực tầng 2 của ngôi chợ lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh đang rơi vào tình cảnh đìu hiu, hàng chục ki-ốt bỏ trống, hoạt động mua bán chỉ ở mức cầm chừng.
.jpg)
Chợ TP Hà Tĩnh (cũ) (nay thuộc phường Thành Sen, tỉnh Hà Tĩnh), là khu chợ lớn nhất tỉnh này với gần 1.800 hộ kinh doanh. Nằm giữa trung tâm đô thị sầm uất, nơi đây từng được ví như “điểm đến mua sắm” của người dân toàn tỉnh.
Thế nhưng, sau vẻ tấp nập ở tầng 1, khu vực tầng 2 của chợ lại rơi vào cảnh vắng lặng, ảm đạm; hàng chục ki-ốt bỏ trống, nhiều tiểu thương buộc phải chuyển nghề hoặc tìm đường rút lui. Những hộ còn bám trụ hầu hết là người kinh doanh lâu năm, không phải thuê mặt bằng hoặc chưa tìm được công việc thay thế.
Chị Nguyễn Thị Thúy (trú tại phường Thành Sen, tỉnh Hà Tĩnh), một tiểu thương bán quần áo chia sẻ, nhiều lúc ngồi ở đây cả ngày cũng không bán nổi vài trăm nghìn đồng để trang trải chi phí sinh hoạt, chưa kể tiền điện, nước. “Tôi đang muốn nghỉ chợ nhưng chưa có hướng đi khác nên phải cố cầm cự qua ngày” - chị Thúy nói.
Dọc theo hành lang tầng 2, nhiều ki-ốt trong tình trạng im lìm, cửa cuốn kéo chặt, bảng hiệu phai màu. Không ít quầy treo biển “cho thuê”, “sang nhượng”, nằm yên tháng này qua tháng khác. Những kệ hàng phủ bụi, móc áo vứt xó, vài vật dụng lạc lõng như đánh dấu sự rút lui lặng lẽ của các tiểu thương từng gắn bó lâu năm với khu chợ.
Chị Võ Thị Hoa - người bán hàng tại chợ cho biết, lúc mới xây xong tầng 2, nhiều người kỳ vọng chợ sẽ đông khách, nhưng do người dân ngại đi lên, lại ít nhu cầu mua sắm các mặt hàng không thiết yếu nên vắng dần.
Theo ghi nhận, các mặt hàng kinh doanh tại tầng 2 chủ yếu là quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang - nhóm hàng chịu ảnh hưởng rõ nét nhất từ xu hướng mua sắm trực tuyến. Cùng với đó là tâm lý “tiện đâu mua đó” khiến người tiêu dùng ít khi lui tới khu vực tầng 2, vốn không nằm ở vị trí thuận tiện.
Ông Nguyễn Thăng Long - Trưởng Ban Quản lý chợ cho biết, hiện tại có hàng chục ki-ốt tại tầng 2 đang đóng cửa hoặc chỉ được sử dụng làm nơi chứa hàng, không còn hoạt động kinh doanh thường xuyên.
“Nguyên nhân khiến lượng khách ảm đạm là do sự phát triển nhanh của kinh doanh điện tử, khách hàng có xu hướng mua sắm online nhiều hơn thay vì đến chợ truyền thống. Điều này dẫn đến việc tầng 2 ngày càng vắng khách, hoạt động buôn bán vì thế cũng gặp nhiều khó khăn” - ông Long nói.
Trước thực trạng này, Ban Quản lý chợ phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan tiến hành rà soát lại hiệu quả sử dụng tầng 2 để đề xuất phương án điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình hiện nay.
“Chúng tôi đang nghiên cứu phương án sắp xếp lại các quầy tầng trên, tính toán cơ cấu mặt hàng, đồng thời xem xét bố trí khu vực thuận tiện hơn để thu hút khách. Những hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi cũng được khuyến khích đăng ký để có phương án hỗ trợ phù hợp” - ông Long thông tin.
Trong bối cảnh thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh, việc duy trì hiệu quả hoạt động của chợ truyền thống đòi hỏi sự linh hoạt trong quản lý, hỗ trợ tiểu thương chuyển đổi kênh bán hàng, đồng thời có sự điều chỉnh hợp lý trong phân bổ không gian, mặt bằng kinh doanh. Những khu vực như tầng 2 chợ TP Hà Tĩnh (cũ) đang cần được “đánh thức” từ chính việc nhận diện đúng vấn đề và đồng hành cùng người kinh doanh vượt qua khó khăn.