Thúc đẩy xanh hóa khu công nghiệp
Giới chuyên gia cho rằng, khi những rào cản về chính sách, cũng như những gánh nặng chi phí đang gây khó cho doanh nghiệp (DN) thì việc chủ động ứng dụng công nghệ được coi là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy quá trình xanh hóa khu công nghiệp.

Nhận định về mục tiêu giảm khí thải nhà kính 2030 và trở thành quốc gia Net Zero vào năm 2050, giới chuyên gia cho rằng, công nghiệp xanh sẽ là điều kiện tiên quyết. Vậy nhưng quá trình chuyển đổi này đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ sự phức tạp của chính sách đến thực trạng “tẩy xanh” (greenwashing) và chi phí tuân thủ đắt đỏ. TS Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, dù khung pháp lý như Nghị định 35 và Thông tư 05 đã được ban hành để hướng dẫn phát triển khu công nghiệp sinh thái, các doanh nghiệp (DN) vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Qua khảo sát thực tế tại các khu công nghiệp sinh thái cho thấy, ý thức chuyển đổi xanh của các DN, dù là vốn trong nước hay nước ngoài, đều rất cao.
Ông Hùng nêu rõ, các tiêu chí để được công nhận là khu công nghiệp sinh thái đều chưa đạt 100%, phần lớn chỉ ở mức 60 - 70%. Khi được hỏi, các DN đều mong muốn sự đơn giản và minh bạch. Như tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), DN phải có một phòng gồm 5 luật sư chỉ để nghiên cứu chính sách pháp luật của Việt Nam. Tương tự, khu công nghiệp Deep C cũng cần 3 - 5 luật sư cho công việc này. Cũng liên quan đến rào cản chính sách, ông Hùng cho biết thêm, đến nay, chưa có khu công nghiệp nào được cấp chứng chỉ “khu công nghiệp sinh thái” chính thức, vì không có đơn vị nào dám ký xác nhận. Quy định về năng lượng sạch cũng còn bất cập, chẳng hạn DN không được phép bán điện mặt trời dư thừa cho nhà máy bên cạnh, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Trong khi đó, theo báo cáo minh bạch của Công ty TNHH PWC Việt Nam (một trong những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay) về thực trạng ESG tại Việt Nam, 80% DN được phỏng vấn cho biết đã nhận thức về xu hướng mới của thế giới và có cam kết thực thi trong tương lai gần (ngắn hạn 2 - 4 năm). Tuy vậy, cũng có tới 82% DN trả lời mục đích chính tham gia ESG là để cải thiện hình ảnh và danh tiếng cho nhãn hiệu. Đây là chính nguy cơ dẫn đến các hoạt động “tẩy xanh”.
Còn theo ông Phạm Tâm Long, giảng viên tại Trường Quản trị quốc tế - Đại học Ritsumeikan Asia Pacific (Nhật Bản), thực trạng cho thấy thách thức với các hoạt động chuyển đổi xanh ở Việt Nam vẫn nằm ở ý thức bảo vệ môi trường thực chất. Nếu coi việc tham gia ESG một cách hình thức để tránh áp lực dư luận hay nhằm mục đích thương mại thì những ví dụ về “tẩy xanh” sẽ còn tiếp diễn. Thách thức lớn nhất hiện tại đối với các DN là thiếu kiến thức để thu thập dữ liệu chuẩn bị cho các khung báo cáo. 71% DN trả lời họ thiếu những hiểu biết cơ bản về các chuẩn báo cáo hiện hành.
Chia sẻ dưới góc độ DN, ông Đỗ Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng, người từng có kinh nghiệm tại Deep C cho rằng, hiện có không ít khu công nghiệp đang “tẩy xanh”. Thêm vào đó là gánh nặng chi phí tạo rào cản lớn cho DN khi làm khu công nghiệp sinh thái. Ví dụ, quy định yêu cầu 25% diện tích cây xanh, trong khi trước đây chỉ là 10%. Với giá đất tăng từ 75 USD/m² lên 220 USD/m², việc tăng thêm 15% diện tích cây xanh khiến chủ đầu tư mất hàng nghìn tỉ đồng.
Ông Phạm Tuân, đồng sáng lập giải pháp VERT ZERO (giải pháp công nghệ) VertZéro, FPT IS… chỉ ra một thực tế đó là năng lực và nhận thức về chuyển đổi xanh của DN Việt còn rất hạn chế. Ở Việt Nam, có lẽ chưa tới 10 DN có chứng nhận đo lường khí nhà kính chính xác. Để giải quyết vấn đề này, FPT đã phát triển phần mềm giúp DN tự động hóa quá trình kiểm kê khí nhà kính, giúp DN tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Ông Phạm Tuân cho biết thêm, AI không chỉ giúp đo lường mà còn có thể tối ưu hóa vận hành. FPT sử dụng camera AI để phát hiện lỗi sản phẩm, giảm thiểu hàng hỏng và chi phí lao động. DN cũng dùng AI để dự báo nhu cầu và đặt hàng chính xác, như trường hợp nhà thuốc Long Châu. Qua đó, vừa giảm chi phí vận tải, vừa tránh lãng phí do thuốc hết hạn, vừa bảo đảm đủ hàng phục vụ khách.