Thắp lên niềm hy vọng từ con chữ
Nép mình bên sườn đồi xã Biển Hồ, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai không chỉ là nơi điều trị, phục hồi cho những người từng lầm đường lạc lối mà còn là điểm sáng của tình người, của niềm tin và khát vọng đổi đời. Ở đây, có một lớp học đặc biệt - nơi những con người từng một thời rơi vào tăm tối được trao lại cơ hội làm lại cuộc đời... bắt đầu từ con chữ.
Sau khi Bộ Công an ban hành Quyết định số 1334 ngày 28/2/2025, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2025, thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Tiếp nhận từ cơ sở cũ thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tập thể cán bộ, chiến sĩ tại đây đã bắt tay vào công việc với quyết tâm cao, nhưng cũng đầy trăn trở.

Trung tá Trần Đình Hùng - Phó trưởng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai cho biết, trong số 238 học viên đang điều trị tại cơ sở thì có nhiều học viên bị mù chữ. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này, chắc chắn việc truyền đạt các kiến thức về giáo dục chính trị tư tưởng, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như nâng cao nhận thức cho học viên sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Quá trình chúng tôi rà soát, phân loại thì Cơ cở cai nghiện ma túy hiện nay có 21 học viên mù chữ hoàn toàn nên tỷ lệ tiếp cận với các kiến thức pháp luật, kiến thức chính trị, lịch sử là rất khó. Đây cũng là điều chúng tôi hết sức trăn trở, do đó mục tiêu của chúng tôi là phải đào tạo cho học viên biết chữ, biết đọc, biết viết, biết cộng trừ, nhân chia” - Trung tá Trần Đình Hùng chia sẻ.
Từ những trăn trở đó, một lớp học xóa mù chữ được hình thành. Lớp học giản dị, mộc mạc nhưng chất chứa bao khát khao, với sự tận tâm của các cán bộ chiến sĩ Công an cùng với giáo trình đơn giản, sát với thực tế, ngoài được học cách đọc, viết, học viên còn được hướng dẫn các phép tính cơ bản. Phần lớn học viên trong lớp là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh đặc biệt, nhiều người chưa từng được đến trường một ngày nào. Trong số đó có học viên H.V.N. (sinh năm 1986, xã Ia Hrú, tỉnh Gia Lai) là điển hình. “Trước đây tôi chưa biết chữ, sau khi vào cơ sở cai nghiện thì được các cán bộ tạo điều kiện cho tôi được học tập, giờ tôi đã viết được, đọc được. Điều này rất tốt cho những người như tôi, sau này chúng tôi có cơ hội để làm lại cuộc đời” - H.V.N. nói.
Người trực tiếp đứng lớp là Thiếu tá Võ Thị Diễm Phúc - một giáo viên không chuyên nhưng đầy tâm huyết. Ngoài giờ làm việc, chị dành thời gian học hỏi từ các bài giảng trên mạng, tìm cách phù hợp để truyền đạt kiến thức dễ hiểu, dễ nhớ cho học viên.
“Ngoài giờ làm việc thì chúng tôi lên mạng xã hội tìm tòi các cách giảng bài của các thầy cô để chúng tôi áp dụng, truyền tải kiến thức cho học viên, để nâng cao khả năng tiếp thu, tiến bộ từng ngày” - Thiếu tá Võ Thị Diễm Phúc chia sẻ.
Không chỉ tổ chức các buổi học vào ban ngày, buổi tối và các ngày cuối tuần, thời gian rảnh, cán bộ tại cơ sở vẫn tiếp tục kèm cặp thêm cho những học viên chậm tiến bộ. Nhờ vậy 100% học viên lớp xóa mù chữ đã có thể đọc, viết và làm các phép tính cơ bản.
Theo lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai, đơn vị đang phối hợp với các cơ sở giáo dục nhằm hướng tới mục tiêu phổ cập tiểu học cho học viên. Giúp học viên nắm chắc các kiến thức cơ bản, nhằm thay đổi nhận thức và định hướng tương lai.
“Nếu học viên biết đọc, viết thì chúng tôi mới kiểm tra được, từ đó mới biết được nhận thức của từng học viên, từ nhận thức đó họ mới nhận ra lỗi lầm của mình, sau đó ra xã hội mới tái hòa nhập được với cộng đồng” - Trung tá Trần Đình Hùng, Phó Trưởng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai cho biết thêm.
Sau hơn 2 tháng học tập, niềm vui như vỡ òa khi học viên H.V.N. lần đầu tiên tự tay viết lá thư gửi về cho gia đình. Mặc dù dòng chữ còn nguệch ngoạc, ngôn từ chưa trôi chảy, nhưng đó là những lời chân thật từ tận đáy lòng: “Con chào bố mẹ, con biết chữ rồi bố mẹ ạ. Con xin lỗi bố mẹ rất nhiều. Vì con nghiện ma túy mà làm khổ bố mẹ. Con cố gắng cai nghiện tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội”.
Lá thư là minh chứng sống động cho hiệu quả không chỉ của một lớp học xóa mù chữ mà là một hành trình phục hồi nhân cách, chữa lành vết thương và thắp lên khát vọng đổi đời từ những điều giản dị nhất. Những dòng chữ run rẩy hôm nay là bước khởi đầu cho một cuộc đời mới - cuộc đời của một người biết ơn, biết sửa sai, và sẵn sàng quay về với cộng đồng.