Hiểm họa rình rập chung cư cũ: Đừng để 'nước đến chân mới nhảy'
Vụ cháy chung cư Độc Lập (TPHCM) mới đây đã gây ra hậu quả nghiêm trọng làm 8 người thiệt mạng. Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ cháy nổ luôn rình rập ở những chung cư cũ - nơi tồn tại những "chuồng cọp" được bao vây bởi khung sắt và lối thoát hiểm bịt kín... Trong khi chờ đợi các dự án cải tạo chung cư cũ, người dân hằng ngày vẫn phải nơm nớp lo sợ cháy, nổ...
Thấp thỏm ở chung cư cũ
Ghi nhận tại chung cư Tôn Thất Thuyết ở phường Khánh Hội (phường 1, quận 4 cũ, TPHCM) dù đã 6 giờ sáng nhưng hành lang các dãy căn hộ vẫn lờ mờ do thiếu ánh sáng. Tường và gạch lát sàn chung cư bị bong tróc, trần nhà bị thấm nước, ẩm mốc... Cư dân phơi phóng quần áo và trồng đủ thứ cây cảnh chiếm dụng một phần hành lang chung cư, kèm theo dây điện giao thoa chằng chịt ở từng cột trụ tiềm ẩn nguy cơ chập điện rất lớn, đặc biệt là vào mùa mưa.
Anh P.Q.T. (41 tuổi, đến từ tỉnh Cà Mau) đã thuê trọ ở chung cư Tôn Thất Thuyết từ nhiều năm qua cho biết, căn hộ nơi anh sinh sống đã xuống cấp, tường bị nứt, nên mỗi khi mưa nước thấm vào gây ẩm mốc, tường lở bong tróc, xuống cấp xập xệ. “Chung cư cũ, đa phần dân lao động nghèo, đâu thể tự bỏ tiền sửa chữa. Đợi chính quyền vào cuộc thì cứ đợi mòn mỏi, trong khi đó, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập vì hệ thống điện không đảm bảo” - anh P.Q.T. thở dài.

Tình cảnh tương tự ở cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh cũ), nhiều cư dân đã phải sống trong cảnh nhà ẩm thấp, bong tróc nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa vì thuộc diện di dời, cải tạo chung cư cũ. Bên trong một số căn hộ, ban công được bịt kín bởi “chuồng cọp” – thứ người dân tin giúp chống trộm nhưng vô tình khóa chặt đường sống nếu hoả hoạn xảy ra. Cực chẳng đã, các cư dân phải tự chắp vá đủ đường, gia cố vách tường, vách ngăn bên trong căn nhà để sinh sống tạm thời, chờ tái định cư.
Tại cụm chung cư An Phúc – An Lộc, phường An Khánh (TP Thủ Đức cũ), với hơn 700 hộ dân ở đây phải sống bất an trong cảnh căn hộ xuống cấp sau 15 năm sử dụng. Chị Nguyễn Thị Tuyền, cư dân chung cư An Phúc cho biết, chung cư này xuống cấp nghiêm trọng nhưng kinh phí quỹ bảo trì thì eo hẹp. Nhiều cư dân đã chủ động cùng góp tiền để sửa chữa nhưng chỉ có thể cải thiện được “bề nổi”. Gần đây, Ban quản trị cụm chung cư này đã phải gửi đơn cầu cứu đến Sở Xây dựng TPHCM để đề nghị được hỗ trợ cho sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp.
Đừng đợi xảy ra hỏa hoạn mới “quyết liệt” phòng chống
Trao đổi với phóng viên Báo Đại đoàn kết, ông Vũ Anh Dũng – Phó Trưởng phòng phát triển đô thị (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, toàn thành phố hiện có 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Trong đó, 16 chung cư đã được kiểm định cấp D – tức mức độ hư hỏng nặng, nguy hiểm, buộc phải di dời và tháo dỡ để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Thời gian qua, TPHCM đã nỗ lực để di dời 684/1.194 hộ dân ở 16 chung cư kể trên. Trong đó, 9 chung cư đã hoàn tất việc di dời, 3 chung cư đang trong quá trình di dời với khoảng 150 hộ. Đối với 4 chung cư chưa thể triển khai di dời do nhiều nguyên nhân khác nhau, Sở Xây dựng cũng đang tìm giải pháp để giải quyết dứt điểm.

Theo khảo sát của Công an TPHCM, đa phần các chung cư, công trình nhà ở, cư xá xây dựng từ trước 1975 đến nay đều đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều nơi đã hư hỏng đến mức “không thể sử dụng” nhưng vẫn còn hàng ngàn người bám trụ vì… không biết đi đâu. Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng – Phó Giám đốc Công an TPHCM, hầu hết ở các chung cư cũ là loại hình căn hộ nhỏ, người dân cơi nới che chắn, xây “chuồng cọp” bao quanh nên nếu xảy ra cháy nổ, việc thoát nạn là cực kỳ khó khăn. Vậy nhưng, sau mỗi đợt kiểm tra xử phạt, “chuồng cọp” chỉ tháo được đôi ba khung, rồi đâu lại vào đấy. Ngoài ra, cư dân sinh sống ở các chung cư cũ chủ yếu là người thu nhập thấp nên việc huy động nguồn lực để sửa chữa cũng gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hưởng dẫn chứng 2 vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng đó là vụ cháy xảy ra tại chung cư Carina Plaza (quận 8 cũ, TPHCM) vào đêm 23/8/2018 làm 13 người chết và mới đây nhất là vụ cháy xảy ra tại tầng trệt chung cư Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú cũ) vào đêm 6/7/2025 khiến 8 người tử vong. Chung cư Độc Lập được xây dựng từ năm 2008, không có thiết kế lối thoát hiểm cho các căn hộ ở tầng trệt, trong đó có các căn hộ kể trên. Nguyên nhân cháy bước đầu xác định là do đường dây dẫn điện cung cấp cho các thiết bị tiêu thụ điện trong căn hộ 0.20 tại tầng trệt của chung cư (do chủ căn hộ tự đấu nối) bị chập điện gây cháy ở phía trước căn hộ này và căn hộ liền kề tới căn 0.19. Ngoài ra, tại ban công các căn hộ của chung cư này cũng xảy ra tình trạng cơi nới, lắp đặt các “chuồng cọp” chặn lối thoát hiểm của người dân qua ban công. Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, vụ cháy cư xá Độc Lập là bài học để chính từng người dân phải ý thức cao nhất về PCCC.
Sau vụ cháy chung cư Độc Lập gây hậu quả nghiêm trọng, UBND TPHCM cũng đã ban hành công văn yêu cầu 168 phường/xã và đặc khu xóa sổ các kiểu căn hộ “chuồng cọp”, cơi nới vi phạm về PCCC trước ngày 30/8. Các Ban Quản trị phải cam kết khắc phục thiếu sót, nếu không sẽ đình chỉ hoạt động. Chiến dịch này được nhìn nhận như giải pháp quyết liệt lớn nhất từ trước đến nay, được giao cho Công an TPHCM tổng rà soát, phối hợp tháo dỡ. Các phường, xã mới thành lập được yêu cầu sát sao trong việc lập danh sách các hộ dân còn khung sắt, ký cam kết tự tháo, đồng thời xử phạt nghiêm người tái phạm.
Ngoài ra, để người dân tự giác PCCC, kỹ sư trần Văn Long, nguyên thành viên Đoàn giám sát dự án Công ty Vinhomes hiến kế, cần phải giải được bài toán quỹ bảo trì chung cư. Đây là vấn đề tồn tại lâu nay tại các chung cư dẫn đến những mâu thuẫn khó giải quyết, trong đó có cả vấn đề về PCCC.
Gỡ “nút thắt” cải tạo chung cư cũ
Theo Sở Xây dựng TPHCM, dù thành phố đã ban hành Đề án cải tạo chung cư cũ từ sớm, song sau nhiều năm triển khai, tiến độ vẫn ì ạch, số công trình được xây mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quyết tâm chính trị là có, nhưng để chuyển thành hành động, vẫn còn hàng loạt nút thắt phải gỡ, từ nguồn vốn, cơ chế chính sách đến sự đồng thuận của người dân và nhà đầu tư.
Theo ông Vũ Anh Dũng – Phó trưởng Phòng phát triển đô thị (Sở Xây dựng TPHCM), trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020 thành phố đã sử dụng ngân sách để cải tạo, sửa chữa được 237/474 chung cư xây dựng trước năm 1975 (đạt tỉ lệ 49,3%). Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2025, thành phố còn khoảng 16 chung cư được xếp loại cấp D, là mức độ nguy hiểm cao nhất, cần di dời khẩn cấp. Số chung cư hiện đã hoàn thành việc tháo dỡ, xây mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một nửa trong số đó vẫn còn hàng trăm hộ dân sinh sống trong cảnh bất an trước nguy cơ sập đổ hay cháy nổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Trong tháng 4/2025, UBND TPHCM đã ban hành Đề án cải tạo và xây dựng lại các chung cư cũ, theo Quyết định 785/QĐ-UBND. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc cải tạo toàn bộ chung cư xây trước năm 1975. Sau đó, đến năm 2035 sẽ mở rộng cải tạo đối với các chung cư xây dựng trước năm 1994. Tuy nhiên, đó là mục tiêu. Thực tế, từ năm 2016 đến 2024, TPHCM chỉ cải tạo được 237/474 chung cư cũ – chưa đến 50%. Đáng nói, số chung cư được hoàn thành việc tháo dỡ và xây mới chỉ là 19, tương đương 4% .
Để đẩy nhanh tốc độ cải tạo, xây mới chung cư cũ, ông Dũng cho biết, quyết tâm của TPHCM là sẽ bố trí ngân sách Nhà nước để thực hiện nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ như rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; tổ chức lập, phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Đề án cải tạo chung cư cũ của TPHCM là một chủ trương đúng, nhưng sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu không mạnh dạn gỡ các “nút thắt” đang tồn tại suốt nhiều năm qua. Việc thiếu cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư, chậm đồng thuận với người dân, thiếu vai trò dẫn dắt của Nhà nước, đã và đang tạo nguy cơ mất an toàn với mức độ hậu quả khó có thể lường trước. Chủ trương cải tạo tạo chung cư cũ không chỉ là thay lớp áo cũ kỹ cho thành phố, mà còn là cách để bảo vệ sinh mạng hàng chục nghìn cư dân đang sống trong các chung cư cũ hiện nay.
Sở Xây dựng TPHCM cho biết, thành phố cũng đang dự thảo Nghị quyết quy định thêm cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với chủ đầu tư khi tham gia cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn. Trong đó, các mức ưu đãi, hỗ trợ như: hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi của dự án nhưng không quá 10 tỉ đồng/dự án; hỗ trợ 50% kinh phí di dời, cưỡng chế di dời theo phương án... Đại diện Sở Xây dựng TPHCM thừa nhận, dù chủ trương cải tạo chung cư cũ đã được xác lập từ sớm, nhưng vướng mắc lớn nhất vẫn là cơ chế thu hút đầu tư và việc giải phóng mặt bằng. Quyền lợi giữa nhà đầu tư và người dân còn chênh lệch lớn, khiến dự án bị ách tắc nhiều năm.
Ông Vũ Anh Dũng – Phó Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng TPHCM):
Phát huy vai trò giám sát của MTTQ
Trong số các giải pháp để cải tạo chung cư cũ, hạn chế các nguy cơ cháy nổ gây thiệt hại về người và của, TPHCM xác định vai trò, vị trí rất quan trọng của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nhất là, vai trò trong công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân tham gia ủng hộ chương trình xây dựng thay thế các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp. Quá trình này cần phát huy tối đa hiệu quả của tuyên tuyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận của những hộ dân chưa di dời, vẫn còn ở các nhà chung cư đã hư hỏng nặng, nguy hiểm (cấp D). Từ đó người dân ý thức được sự nguy hiểm và sẽ tự nguyên di dời.