Nghĩ xanh, sống sạch
Hà Nội vừa vạch lộ trình cấm đồ nhựa dùng một lần. Nhưng thay đổi cần bắt đầu từ mỗi người, mỗi hành động thường ngày. Một chiếc ống hút. Một túi nilon. Một hộp xốp. Chúng ở lại hàng trăm năm sau khi ta rời đi. Sống xanh không chỉ là khẩu hiệu. Sống xanh phải bắt đầu từ những ý nghĩ sạch.
Mới đây, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về kiểm soát rác thải nhựa, với lộ trình bắt đầu từ năm 2026. Kể từ 1/1/2026, các khách sạn và khu du lịch sẽ không được sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm, hay bao bì chứa dầu gội, sữa tắm. Một năm sau, các chợ dân sinh và cửa hàng tiện lợi sẽ không còn phát miễn phí túi nilon khó phân hủy sinh học. Các đơn vị bán hàng trực tuyến cũng sẽ phải giảm thiểu, thu hồi bao bì nhựa và vật liệu chống sốc - những thứ thường “đi thẳng ra môi trường” sau một lần dùng.
Một nghị quyết với lộ trình rõ ràng. Không chỉ là tuyên bố chính sách, đó là mệnh lệnh của hiện tại. Vì chúng ta không thể trì hoãn thêm nữa.
Hà Nội đang phát sinh hơn 1.400 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, trong đó hơn 60% là đồ dùng một lần. Riêng tại 48 siêu thị được khảo sát năm 2021, mỗi ngày có hơn 100.000 túi nilon miễn phí được phát ra - tương đương 38 triệu túi mỗi năm, phần lớn chỉ dùng một lần rồi thải bỏ, tạo gánh nặng khổng lồ cho môi trường.
Trên toàn quốc, khoảng 31,4 tỷ túi nilon được tiêu thụ mỗi năm - tức trung bình mỗi người dùng một túi mỗi ngày, và 83% trong số đó không được tái chế. Những chiếc túi này tồn tại cả trăm năm ngoài môi trường, phân rã thành vi nhựa, âm thầm tích tụ trong đất, nước, chuỗi thức ăn và cuối cùng là cơ thể con người.
Nếu từng dạo phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cuối tuần, hoặc tham dự các sự kiện ngoài trời ở đây, sẽ dễ dàng bắt gặp những thùng rác đầy hộp xốp, cốc nhựa, vỏ chai nước. Ở các khu chung cư, rác thải nhựa từ mua hàng online ngày càng nhiều. Trong khi đó, người dân ở các khu dân cư vẫn vô tư dùng túi nilon mỗi khi đi chợ - một thói quen dường như chưa mấy ai nghĩ lại.
Chúng ta đang trả giá cho sự tiện lợi.
Trong khi đó, thế giới đã dịch chuyển từ lâu. EU cấm hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần từ năm 2021. Hàn Quốc phân loại rác nghiêm ngặt. Nhật Bản tái chế khép kín...
Vậy điều gì khiến Việt Nam chậm đổi thay? Câu trả lời, suy cho cùng, nằm ở nhận thức. Nghị quyết có thể vạch ra lộ trình. Nhưng nếu ý thức không thay đổi, tất cả sẽ vẫn là “được chăng hay chớ”.
Sống xanh không thể chỉ là băng rôn, khẩu hiệu. Sống xanh phải bắt đầu từ mỗi người, từ trong ý nghĩ. Nghĩ sạch, rồi mới có thể sống xanh. Sạch trong lòng, sạch trong nhà, rồi mới sạch ra phố, ra làng, ra cộng đồng.
Bắt đầu từ điều đơn giản: Hạn chế sử dụng túi nilon, rồi tiến đến nói không với túi nilon. Dùng túi vải, xách làn đi chợ. Mang theo bình nước cá nhân thay vì mua nước đóng chai. Từ chối ống hút, cốc nhựa, hộp xốp - những vật dụng vừa tiện, vừa rẻ nhưng để lại hậu họa trăm năm.
Các quán cà phê, hàng ăn cũng cần thay đổi. Thay vì coi cốc nhựa là mặc định, hãy khuyến khích khách mang theo cốc cá nhân. Thay vì bọc hàng bằng từng lớp nilon và xốp, hãy tìm đến vật liệu thân thiện hơn, hoặc tái sử dụng một cách có hệ thống.
Quan trọng hơn cả, Hà Nội không chỉ ban hành nghị quyết, mà phải làm gương. Phải quyết liệt trong giám sát, không nhân nhượng với vi phạm. Đồng thời, cần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi. Bởi mỗi thay đổi nhỏ cần thời gian để thành thói quen - nhưng chúng ta không thể chờ đến khi thảm họa môi trường trở nên không thể đảo ngược mới bắt đầu hành động.
Dùng đồ nhựa không chỉ là vấn đề môi trường. Đó còn là vấn đề sức khỏe. Vi nhựa đã được phát hiện trong máu, trong phổi, trong nhau thai, thậm chí trong não người. Những hạt nhựa li ti - đến từ những vật dụng quen thuộc như cốc nhựa, túi nilon - đang dần âm thầm xâm lấn cơ thể con người. Sống xanh không còn là trách nhiệm với thiên nhiên, mà chính là sống an toàn cho chính mình.
Trong một thế giới mà mỗi người trung bình phát thải 4,5 tấn CO₂ mỗi năm, thì mọi hành động vì môi trường - dù nhỏ - đều có ý nghĩa.
Nếu không bắt đầu, sẽ chẳng có thói quen nào được hình thành. Nhưng nếu mỗi người bắt đầu từ một việc nhỏ - từ chối túi nilon khó phân hủy, nói không với ống hút, hộp xốp dùng một lần... - thì chúng ta sẽ không chỉ có một tương lai sạch hơn, mà còn có một tương lai đáng sống.