Tìm hướng mới để dừa, dứa, chuối... vào nhóm 'xuất khẩu tỉ đô'
Sau sầu riêng, thanh long thì một số loại trái cây khác như dừa, dứa, chuối, chanh dây... có nhiều cơ hội đạt giá trị xuất khẩu tỉ đô (USD) nếu biết cách khai thác hiệu quả.
Ngày 18/7, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức buổi toạ đàm để thúc đẩy các lợi thế của nhóm cây trồng dừa, chuối, dứa... với mục tiêu sớm đưa những trái cây này gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu tỉ đô (USD). Trước đó, sầu riêng, thanh long là những loại trái cây nhiều năm mang về giá trị xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỉ USD.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sầu riêng và thanh long là hai mặt hàng từng dẫn dắt ngành xuất khẩu trái cây Việt hiện nay đang có dấu hiệu chững lại. Nếu như sầu riêng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ngắn hạn, thì rủi ro thị trường Trung Quốc ngày càng rõ nét với các chính sách kiểm soát chặt chất lượng. Còn thanh long từng đạt mốc hơn 1 tỉ USD thì nay đã giảm hơn một nửa giá trị xuất khẩu so với giai đoạn đỉnh cao. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường định hướng đẩy mạnh sản xuất một số loại trái cây khác để nông dân có thêm lựa chọn, đa dạng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Cụ thể, dừa là loại trái cây có diện tích lớn nhất cả nước với khoảng 202.000ha, sản lượng đạt 2,28 triệu tấn mỗi năm, phần lớn tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia xuất khẩu dừa hàng đầu thế giới. Tới năm 2030, ngành dừa sẽ tập trung chuyển sang chế biến sâu, sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, phát triển các mô hình trồng xen, nuôi xen và tích hợp với du lịch sinh thái miệt vườn, sản phẩm OCOP nhằm gia tăng giá trị toàn chuỗi.
Với dứa, Việt Nam hiện có sản lượng khoảng 860.000 tấn, chủ yếu trồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Định hướng đến năm 2030 là đạt gần 1 triệu tấn, thông qua mở rộng diện tích và chuyển đổi sang trồng rải vụ để phục vụ chế biến và xuất khẩu trái vụ. Còn chuối hiện đạt sản lượng khoảng 3 triệu tấn mỗi năm và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Định hướng của ngành là giữ vững và mở rộng thị phần bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì và xây dựng thương hiệu riêng cho chuối Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, chanh dây, Việt Nam hiện đạt sản lượng khoảng 163.000 tấn mỗi năm, chủ yếu tập trung tại khu vực Tây Nguyên. Mục tiêu đến năm 2030 là nâng lên 300.000 tấn, trong đó vùng trọng điểm phát triển là Lâm Đồng, Gia Lai.

Với những quy mô như hiện nay, các loại trái cây trên đều có thể gia nhập nhóm hàng "xuất khẩu tỉ đô" trong vài năm tới nếu được định hướng và phát triển đúng lộ trình. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng, có nhiều loại rau quả Việt Nam có thể trở thành ngành hàng tỉ đô. Trong đó dứa có quy mô thị trường toàn cầu đạt khoảng 29 tỉ USD vào năm 2024 và tiếp tục tăng trưởng kép hằng năm ở mức 6,3%. Thị trường châu Âu và Bắc Mỹ chiếm tới 50% nhu cầu tiêu thụ, cho thấy tiềm năng xuất khẩu rất lớn.
Trong khi đó, ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Unifarm lại đặt kỳ vọng vào chuối. Bởi cách đây 10 năm Việt Nam chưa có sản phẩm chuối xuất khẩu, nhưng 2024 chuối mang về 378 triệu USD, đứng thứ 9 trên thế giới. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào khoa học, kỹ thuật, công nghệ để nâng giá trị trên mỗi hecta lên 20.000 USD, Việt Nam có thể thu về đến 4 tỉ USD/năm từ chuối.
Tương tự, với sản phẩm chanh dây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nafoods, tin tưởng có thể đạt mốc xuất khẩu tỉ đô. Chanh dây được thế giới đón nhận mạnh mẽ dưới dạng cô đặc và cả quả tươi với nhu cầu khoảng 30.000 tấn/năm mỗi loại. Thị trường này có tốc độ tăng trưởng 6 - 7%, đặc biệt thị trường Trung Quốc nếu mở cửa sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn cho quả tươi. Trung Quốc hiện trồng được nhưng trong mùa đông thì vẫn phải nhập khẩu.
Trong khi đó, dừa xuất tươi xuất khẩu đạt giá trị khoảng gần 400 triệu USD năm 2024 nhưng nếu tính cả sản phẩm từ dừa thì trái cây này đã chạm ngưỡng tỉ đô.
Kết thúc toạ đàm, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường thừa nhận: Chanh dây, chuối, dứa và dừa là những đại diện tiêu biểu, hội tụ nhiều yếu tố về lợi thế tự nhiên, giá trị kinh tế, khả năng chế biến và tiềm năng thị trường xuất khẩu. Về quy mô sản xuất, tổng diện tích của 4 loại cây này lên tới hơn 420.000 ha, cho sản lượng trên 6,3 triệu tấn mỗi năm. Đây không chỉ là những con số thống kê, mà còn là minh chứng rõ nét cho sức sống mạnh mẽ của những ngành hàng gắn với sinh kế hàng triệu hộ nông dân. Cả 4 mặt hàng đều có lợi thế hưng những loại này cũng đang đối diện với các thách thức như bộ giống còn đơn điệu, thiếu giống tốt, giống chống chịu với các loài sâu bệnh hại quan trọng, thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn, liên kết rời rạc… Chính vì vậy, cần chủ động tổ chức lại ngành hàng ngay từ bây giờ, nếu không chúng ta sẽ đánh mất lợi thế và tụt hậu so với các quốc gia cùng vùng địa lý.