Nghĩa tình cùng biên giới, hải đảo
15 năm kể từ ngày Quỹ “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc” được Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM thành lập, hệ thống Mặt trận các cấp của thành phố đã vận động được hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó, thành phố đã thực hiện nhiều công trình, mô hình, hỗ trợ đồng bào, chiến sĩ hiệu quả.
.jpg)
Gửi gắm niềm tin và trách nhiệm
Năm 2009, Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc” được thành lập. Đến năm 2014, để phù hợp hơn với chức năng, tên quỹ được đổi thành Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Theo số liệu thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, đến nay, hệ thống Mặt trận các cấp đã vận động được tổng cộng hơn 552 tỷ đồng. Thành phố đã tổ chức trên 300 đoàn công tác đến biên giới, hải đảo; thực hiện hàng trăm công trình dân sinh, trong đó có: 105 “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; 19 công trình “Nước ngọt vùng biên”; 50 tỷ đồng cho chương trình “Vì Trường Sa xanh”; tổ chức 11 chương trình truyền hình trực tiếp trên HTV “Hướng về biên giới, biển đảo Tổ quốc”.
Song song đó, hệ thống Mặt trận các cấp của TPHCM đã có những hoạt động hướng về biên giới, biển đảo Tổ quốc. Điều đó được thể hiện qua việc đã có hơn 600 văn bản triển khai tuyên truyền, vận động; tổ chức hơn 80 buổi triển lãm ảnh với số người tham gia hơn 110 nghìn người; tổ chức hơn 1.000 Hội nghị chuyên đề, tập huấn cho cán bộ Mặt trận các cấp với hơn 150 nghìn người tham gia; hơn 10 nghìn lượt chiếu phim tài liệu “Biển, đảo Việt Nam - cội nguồn từ bao đời”.
Ngoài ra, có nhiều mô hình hiệu quả, giải pháp thiết thực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biên giới, biển đảo, như: Ngày hội Thiêng liêng biển đảo, hội thi thiết kế mô hình nhà giàn DKI, Triển lãm hình ảnh nghệ thuật “Trường Sa – Nhà giàn - qua ống kính nhiếp ảnh”; Chương trình Biển, đảo – Trái tim của Tổ quốc…
TPHCM đã tổ chức Chương trình “Một triệu cây vì biển đảo Tổ quốc, Vì quê hương Việt Nam xanh” giai đoạn 2024 – 2030 tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường thành phố thực hiện 1 vườn ươm cây giống xanh mát, góp phần hỗ trợ cây xanh cho Vùng 4 Hải quân và các đơn vị, địa phương khác tại TPHCM và các tỉnh. Tính đến nay, Hội đã bàn giao cho Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân với 100 nghìn cây giống các loại, bao gồm: Phi lao, cây lâm nghiệp, cây xanh cảnh quan, cây ăn quả, hoa... và các loại vật tư nông nghiệp, phân bón. Dự kiến đến năm 2030 là hoàn thành chương trình.
Chuẩn đô đốc Lê Bá Quân - Uỷ viên Đảng uỷ Quân chủng Hải quân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho biết, TPHCM đã có nhiều đoàn đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ nhân dân tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 và các khu vực biển đảo của Tổ quốc. “Chúng tôi luôn cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã dành cả vật chất lẫn tinh thần, gửi gắm cả trách nhiệm, niềm tin đối với chúng tôi. Thay mặt cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, tôi xin cảm ơn những tình cảm, sự hỗ trợ của TPHCM” - ông Quân bày tỏ.
Giúp đồng bào, chiến sĩ yên tâm bám trụ
Theo Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Quỹ “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc” của TPHCM thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động và trực tiếp hỗ trợ cho đồng bào ở các khu vực biên giới nói chung và Bộ đội Biên phòng nói riêng, đặc biệt là các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo bằng các món quà ý nghĩa, qua đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm bám trụ, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Ông Tuấn mong muốn trong thời gian tới, Quỹ sẽ phát huy được vai trò là trung tâm kết nối, vận động các nguồn lực để hỗ trợ nhiều hơn nữa, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, giúp để nhân dân sát cánh cùng với Bộ đội Biên phòng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đánh giá, kết quả của MTTQ Việt Nam thành phố về các hoạt động trên đã góp phần vào tình cảm, nhiệm vụ thành phố đối với công tác hậu phương, hỗ trợ cán bộ, nhân dân nơi biên giới, hải đảo, hỗ trợ an sinh xã hội cho nhân dân thành phố và một số địa phương bạn.
Theo ông Lộc, trong nhiều năm qua, TPHCM xứng đáng mang tên là “Thành phố nghĩa tình” với nhiều hoạt động hỗ trợ khác nhau, trong đó có công tác hậu phương, đền ơn đáp nghĩa là một trong những phong trào trọng tâm. Nhờ sự tham gia của toàn xã hội các tầng lớp nhân dân, cả hệ thống chính trị của thành phố đã, tạo động lực quan trọng trong việc tham gia vào “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc” ngày nay. Có thể nói, kể từ ngày thành lập quỹ này đã xuất hiện nhiều chương trình, mô hình ý nghĩa, hiệu quả đã đến được cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng biên giới hải đảo. “Mỗi con số là minh chứng sinh động TPHCM cùng cả nước tham gia vào công tác thế trận biên phòng toàn dân, an ninh nhân dân…” - ông Lộc nói.