Mặt trận

Tìm lại tên cho đồng đội: Hành trình lan tỏa nghĩa tình và nhân văn

Phương Nguyên 20/07/2025 08:58

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau và khát vọng đưa những người con anh hùng của Tổ quốc trở về đất mẹ vẫn còn đó, âm ỉ, nhức nhối trong trái tim người ở lại. Trên hành trình đầy gian nan và xúc động ấy, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đang là nhịp cầu kết nối tình đồng đội, là nơi khơi nguồn và lan tỏa nghĩa cử tri ân sâu sắc, một hành trình “tìm lại tên cho đồng đội” đầy nhân văn, lặng thầm nhưng bền bỉ, thiêng liêng.

Anh 1. tri an
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thực hiện nghi thức bàn giao hài cốt liệt sĩ Trần Văn Sửu cho chính quyền địa phương và thân nhân gia đình liệt sĩ. Ảnh: Mạnh Hùng

Những chuyến tàu tri ân đưa liệt sĩ trở về

“Người đang sống đưa người đã chết trở về”, câu nói tưởng chừng đơn giản ấy lại được Trung tướng Hoàng Khánh Hưng - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam nhắc đến với bao xúc cảm khi nói về hành trình gần 14 năm Hội đồng hành cùng các gia đình liệt sĩ. Từ tình đồng đội “súng bên súng, đầu sát bên đầu”, từ tâm nguyện cháy bỏng của bao cựu chiến binh và thân nhân gia đình liệt sĩ, Hội đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi níu giữ hy vọng cho hàng vạn gia đình trên hành trình tìm lại tên, hài cốt người thân đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, Hội đã tiếp nhận 618 hồ sơ liệt sĩ, giải quyết 206 trường hợp, tư vấn cho gần 1.000 lượt thân nhân và công bố hơn 5.000 thông tin liệt sĩ trên các phương tiện truyền thông. Đằng sau những con số ấy là bao giọt nước mắt, là sự chờ đợi kéo dài hàng chục năm, là những cuộc đoàn tụ muộn màng nhưng đong đầy ý nghĩa. Đặc biệt, Hội đã hỗ trợ đính chính thông tin cho 86 phần mộ; phối hợp với cơ quan chức năng trình Chính phủ xác nhận, cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 7 liệt sĩ. Đặc biệt, 21 bộ hồ sơ mộ tập thể do cựu chiến binh Mỹ và Viện Hòa bình Hoa Kỳ cung cấp đã được trao lại Ban Chỉ đạo 515, thành quả của một quá trình hợp tác quốc tế đầy thiện chí và bền bỉ. Hội cũng hỗ trợ giám định ADN miễn phí cho 35 trường hợp, xác định danh tính 8 liệt sĩ và tổ chức trao kết quả cho 5 gia đình với những cuộc hội ngộ đầy nước mắt, đánh thức cả một miền ký ức tưởng chừng đã chìm sâu.

Những chuyến tàu tri ân cũng là một dấu ấn đặc biệt trong hành trình nghĩa tình ấy. Để thực hiện việc này, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức đưa hài cốt liệt sĩ và thân nhân từ các tỉnh phía Nam trở về quê hương hoàn toàn miễn phí. Mỗi chuyến tàu không chỉ chuyên chở di cốt liệt sĩ, mà còn chở theo lòng biết ơn sâu sắc của cả dân tộc, lan tỏa đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đến mọi miền Tổ quốc.

Trường hợp đầu tiên trong chương trình là liệt sĩ Trần Văn Sửu, xã Thường Tín (TP Hà Nội), hy sinh năm 1975 trong trận đánh tại cửa ngõ Sài Gòn. Do sai lệch thông tin trên bia mộ, gia đình đã nhiều năm không thể xác định được phần mộ. Phải đến năm 2019, nhờ sự giúp sức của Hội và đồng đội cũ, thông tin liệt sĩ Sửu mới được đính chính đầy đủ. Ngày 25/3/2024, hài cốt anh được đưa về quê nhà bằng tàu hỏa, chuyến tàu đặc biệt mang ý nghĩa tri ân và đoàn tụ. Ngay sau đó, tại nghĩa trang liệt sĩ xã Thường Tín, lễ truy điệu và an táng liệt sĩ Trần Văn Sửu được tổ chức trang trọng với sự tham dự của gia đình, đồng đội và chính quyền địa phương. Sau gần nửa thế kỷ, anh được trở về an nghỉ trong lòng đất mẹ, hưởng sự chăm sóc của gia đình, chính quyền và nhân dân địa phương.

Một trường hợp khác là liệt sĩ Chu Văn Hùng, quê tại xã Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ năm 1975, hy sinh tại chiến trường Tây Nam năm 1978. Ngày 5/4/2024, sau 46 năm, hài cốt liệt sĩ Hùng trở về ga Vinh trên chuyến tàu SE8, được đón tiếp trang trọng bởi thân nhân và Hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Nghệ An. Đó là hành trình xuyên đêm, nhưng cũng là hành trình xuyên thời gian, kết nối quá khứ đau thương với hiện tại tri ân.

Xúc động trước những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng vẫn nhớ như in hình ảnh ngày xưa khi hàng triệu thanh niên lên đường ra trận có cả làng tiễn đưa, còn ngày trở về lại diễn ra lặng lẽ, âm thầm, đầy đau thương, mất mát. Do đó, việc tổ chức đưa đón hài cốt liệt sĩ bằng tàu hỏa là cách để chúng ta thể hiện đạo lý với người đã khuất, giúp thân nhân liệt sĩ vơi bớt gánh nặng. Trong thời gian tới, Hội sẽ đề xuất mở rộng chương trình sang ngành hàng không, nhằm tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các gia đình đi đưa đón liệt sĩ trở về với quê hương.

anh 2 Tri an
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tiếp nhận xe vận chuyển hài cốt liệt sĩ từ doanh nghiệp tài trợ. Ảnh: Mạnh Hùng.

Tri ân bằng những nghĩa cử thiết thực

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến nay, vẫn còn 53 vạn liệt sĩ chưa được xác minh danh tính. Trong đó, hơn 18 vạn liệt sĩ đang nằm lại các chiến trường năm xưa ở cả Việt Nam - Lào - Campuchia. Hiện nay, các cựu chiến binh, cha mẹ, anh em của liệt sĩ ngày càng lớn tuổi, đòi hỏi chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ xác minh danh tính liệt sĩ thông qua phương pháp thực chứng và giám định ADN. Chi phí để giám định không nhỏ, vì vậy, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đang phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện các thủ tục xin thành lập Quỹ “Tìm lại tên cho đồng đội”, nhằm chung tay cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp quản lý trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng cho biết, không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm, xác minh danh tính, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam còn chú trọng chăm lo đời sống cho thân nhân liệt sĩ. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hội đã phối hợp đưa 130 hài cốt liệt sĩ về quê, trao 41 nhà tình nghĩa, sửa chữa 15 căn nhà, tặng hơn 5.800 suất quà, 190 sổ tiết kiệm, 25 xe lăn, hàng trăm thiết bị gia dụng và tổ chức khám bệnh miễn phí cho hàng ngàn lượt người. Những món quà vật chất tuy không lớn, nhưng mang nặng tình người, là lời tri ân chân thành tới những gia đình đã chấp nhận mất mát để Tổ quốc được sống mãi.

Đặc biệt, mới đây, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã chính thức phát động chương trình “Gọi tên những vì sao đất nước 2025”. Đây là chiến dịch tri ân lớn nhất trong năm nhằm hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Dự kiến, thông qua chương trình này sẽ huy động được hơn 3 tỷ đồng để xây nhà tình nghĩa, tặng quà, sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sĩ và hỗ trợ đưa 50-60 hài cốt về quê hương, giám định ADN cho khoảng 60 trường hợp. “Chúng tôi mong từng người con đất Việt, dù đang ở đâu, cũng chung tay góp sức. Mỗi đóng góp hôm nay sẽ góp phần rút ngắn danh sách 530.000 liệt sĩ chưa biết tên, để những ngôi mộ gió vơi dần, để có thêm nơi thờ phụng khang trang, ấm cúng hơn cho anh linh liệt sĩ”- Trung tướng Hoàng Khánh Hưng kêu gọi.

Hơn 10 năm miệt mài, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam vẫn kiên định với hành trình “gọi tên những vì sao đất nước”. Mỗi phần mộ xác định được danh tính, mỗi hài cốt trở về đất mẹ là một nỗi đau được xoa dịu, là một vết thương trong lòng Tổ quốc được chữa lành. Và hành trình ấy vẫn đang tiếp diễn, bằng trái tim, bằng nghĩa tình, bằng những chuyến tàu tri ân và những ngôi nhà nghĩa tình nơi miền quê nghèo. Vì thế, mỗi đóng góp, mỗi sự sẻ chia của đồng bào cả nước hôm nay là một ngọn nến hy vọng được thắp lên, là nhịp cầu để quá khứ và hiện tại nối liền bằng nghĩa cử nhân văn, đầy cao đẹp.

Gần 14 năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã giám định ADN cho hơn 1.000 liệt sĩ, lấy mẫu hơn 1.000 thân nhân; tiếp nhận và xử lý hơn 200.000 thông tin về liệt sĩ; tư vấn cho 33.000 gia đình, xác định thực chứng hơn 200 trường hợp; di chuyển và đính chính thông tin cho hơn 1.300 phần mộ; trao tặng 1.300 căn nhà tình nghĩa, tổng trị giá trên 170 tỷ đồng.

Phương Nguyên